BVR&MT – Sáng 3-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị trực tuyến về phát triển kinh tế dưới tán rừng 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang có đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện các huyện, thành phố.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có trên 5,7 triệu ha rừng, chiếm gần 40% tổng diện tích rừng toàn quốc, trong đó rừng tự nhiên khoảng 3.962 nghìn ha, chiếm trên 38% rừng tự nhiên toàn quốc; diện tích rừng trồng trên 1.700 nghìn ha, chiếm 40,8% diện tích rừng trồng toàn quốc. Diện tích rừng trồng tập trung ở các tỉnh: Sơn La 255 nghìn ha, Quảng Ninh 246 nghìn ha, Yên Bái 218 ha, Tuyên Quang 192 nghìn ha với các loài cây trồng chủ yếu là keo, mỡ, quế, bạch đàn… Có 10/17 tỉnh có độ che phủ rừng trên 50%, trong một số tỉnh có độ che phủ rừng cao như: Bắc Kạn trên 73%, Tuyên Quang trên 65%, Lạng Sơn 63%, Yên Bái 63%…
Tại tỉnh Tuyên Quang hiện có 200 ha cây dược liệu dưới tán rừng với các loài chủ yếu là khôi nhung, thảo quả, hương nhu, giảo cổ lam… Tuy nhiên, phát triển kinh tế dưới tán rừng của tỉnh vẫn còn manh mún, chưa thực sự phát huy được hiệu quả kinh tế so với tiềm năng, thế mạnh. Để phát huy kinh tế dưới tán rừng, tỉnh đã xây dựng Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 phát triển dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng đạt trên 2.000 ha; giai đoạn 2025-2030 phát triển trên 3.500 ha cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ.
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về rừng của các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, các cơ quan chuyên môn của bộ, các tỉnh tập trung quy hoạch, phát triển và sử dụng bền vững giá trị của rừng; phát triển ngành lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; hài hòa mục tiêu kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy tiềm năng về khí hậu, đất đai và lợi thế của vùng Trung du miền núi phía Bắc. Các tỉnh phải sử dụng rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của tiểu vùng, địa phương; đổi mới mô hình tăng trưởng, từ dựa vào mở rộng diện tích, khối lượng sang tập trung nâng cao giá trị về năng suất, chất lượng; nâng cao giá trị rừng theo chuỗi, từ trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ theo chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu cho lâm sản, đẩy mạnh liên kết vùng…