BVR&MT – Cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đô thị hóa và gia tăng dân số, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh cũng gia tăng nhanh chóng. Mặc dù các biện pháp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đã được các cấp, các ngành quan tâm, triển khai, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Nguy cơ quá tải rác thải rất lớn nếu không có biện pháp xử lý đồng bộ, quyết liệt hơn.
Xử lý chủ yếu bằng chôn lấp
Theo thống kê, hiện nay lượng rác thải phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 920 tấn/ngày, trong đó ở khu vực đô thị khoảng 350 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn/ngày.
Triển khai nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, bố trí nguồn vốn đầu tư công, nguồn kinh phí hàng năm cho hoạt động này.
Đến nay, tỉnh có 34 doanh nghiệp, 117 hợp tác xã hoặc tổ dịch vụ vệ sinh môi trường tham gia cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, với hơn 2.100 người trực tiếp tham gia.
Tỉnh đã đầu tư, huy động vốn xã hội hóa và nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư 37 lò đốt rác quy mô cấp xã; 1 nhà máy xử lý rác thải tập trung công suất 75/ngày.đêm; thành lập hơn 230 bãi rác tạm với tổng diện tích trên 31 ha…
Tỷ lệ thu gom đã đạt trên 75% ở khu vực nông thôn và trên 95% ở khu vực đô thị. Tuy nhiên phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp thông thường, chiếm khoảng 75% tổng lượng rác thải. Hầu hết các bãi chôn lấp và cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động hiện nay chưa đáp ứng được quy chuẩn về môi trường.
Đánh giá của cơ quan chuyên môn cho thấy, các bãi rác, lò đốt rác thải hiện đã quá tải, xuống cấp, công nghệ lạc hậu,… gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó việc mở rộng, cải tạo còn nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, do người dân phản đối hoặc không còn phù hợp với quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Việc triển khai xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung còn chậm. Đến nay mới chỉ có Nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương đi vào hoạt động song công suất xử lý còn thấp, chưa đạt mục tiêu đã đề ra.
Hoạt động của các hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường còn nhiều khó khăn, do nguồn thu hạn chế; thu nhập của người thu gom rác còn thấp, điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại nhưng chưa có chế độ hỗ trợ phù hợp…
Phấn đấu thu gom, xử lý 100% rác thải sinh hoạt
Theo dự báo, trong những năm tới, khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sẽ gia tăng trung bình khoảng 15 tấn/ngày, đến năm 2025 sẽ đạt xấp xỉ khối lượng khoảng 1.000 tấn/ngày. Áp lực về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sẽ rất lớn.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong xử lý rác thải hiện nay, tỉnh đã quyết định phê duyệt Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đồng bộ trên toàn tỉnh. Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý rác đạt 97% ở khu vực đô thị và đạt 90% ở khu vực nông thôn.
Đến năm 2030, 100% rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý tại các cơ sở xử lý tập trung. Hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường và tái sử dụng 100% diện tích đất chôn lấp rác tạm hiện nay.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh dự kiến sẽ bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước gần 1.500 tỷ đồng; huy động nguồn vốn xã hội hóa gần 670 tỷ đồng và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn thông qua việc cung cấp các tài liệu, sổ tay hướng dẫn và tổ chức hướng dẫn trực tiếp trong các mô hình thí điểm.
Phát động và duy trì các phong trào hằng tuần, tháng ra quân thu gom rác thải và vệ sinh môi trường ở tất cả các tuyến đường phố, đường làng, ngõ xóm và khu dân cư trên địa bàn tỉnh; phân loại rác thải tại nguồn, nói không với túi nilon và rác thải nhựa.
Xây dựng, hoàn thiện, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thu gom, xử lý rác thải và các hoạt động khác góp phần giảm thiểu rác thải sinh hoạt.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh xã hội hóa; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất quá trình tổ chức thực hiện cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải, đảm bảo quá trình cung ứng dịch vụ được thực hiện theo các quy định hiện hành…