BVR&MT – Với đội ngũ cán bộ sâu sát, trực tiếp cùng nông dân thực hiện nhiều mô hình, những năm qua, hệ thống khuyến nông đã thật sự trở thành cầu nối chuyển giao, lan tỏa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, góp phần phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, công tác khuyến nông tại nhiều địa phương hiện nay đang gặp khó khăn do không có cán bộ khuyến nông chuyên trách.
Từ những thành công trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nhà nông, ngành khuyến nông đã và đang góp phần quan trọng vào việc phát triển nông nghiệp cũng như công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương.
Câu chuyện bò vàng trên cao nguyên đá
Cách đây 17 đến 18 năm, anh Giàng Mí Sử, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã biết mua những con bò gầy ở chợ bò Mèo Vạc về nuôi vỗ béo. Tuy nhiên, giống như hầu hết người dân huyện Mèo Vạc lúc bấy giờ, gia đình anh Sử chủ yếu lên rừng cắt cỏ về cho bò ăn chứ chưa biết cách sử dụng thức ăn tinh, kết hợp với muối, bã rượu phối trộn vào thức ăn cho bò. Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, bò tăng cân rất chậm. Cách đây khoảng 5 năm, từ hiệu quả của mô hình nuôi bò vỗ béo do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Mèo Vạc, anh Giàng Mí Sử bắt đầu học nuôi bò vỗ béo theo phương pháp mới. Tận dụng đất xấu, đất đỏ không thể trồng ngô, gia đình anh Sử trồng cỏ voi, cỏ VA06, Goatemala. Có được nguồn cỏ dồi dào lại kết hợp với các loại thức ăn tinh, muối… bò sinh trưởng rất tốt. Anh Sử thường nuôi từ 4 đến 5 con bò. Sau khoảng 3 tháng thực hiện theo quy trình vỗ béo, khối lượng trung bình mỗi con tăng lên 60 kg, cao gần gấp đôi so với cách người dân thường làm (người dân tự vỗ béo chỉ tăng 40 kg/con). Lợi nhuận thu được từ một con bò đạt 5 đến 7 triệu đồng, cao hơn so với người dân tự đầu tư thực hiện là 2,5 đến 3 triệu đồng. Mô hình mang lại thu nhập ổn định cho người dân với mức từ 30 triệu đến 100 triệu đồng/năm.
Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Mèo Vạc Vàng Mí Sử cho biết, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện Mèo Vạc hiện nay khoảng 91 nghìn con. Trong đó, số lượng bò vàng-giống bò bản địa chiếm tỷ lệ lớn. Trước đây, vào mỗi mùa đông, bò ở Mèo Vạc chết rét, chết đói nhiều lắm. Cách đây khoảng 10 năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện đã vận động người dân ở một số xã trồng thí điểm một số giống cỏ như cỏ voi, VA06, Goatemala. Ban đầu bà con chưa nghe theo, nhiều hộ được hỗ trợ giống cỏ nhưng bà con bảo cây rừng đầy lá, núi đầy cỏ việc gì phải trồng cho tốn đất, tốn công. Tuy nhiên, sau khi tận mắt thấy nhiều nhà không phải leo lên rừng, lên núi cao kiếm cỏ, mùa đông lạnh giá chỉ cần đi cách nhà vài phút đã có thể mang cả bao cỏ về, dân làng mới thấy cái lợi và bắt đầu tận dụng những khoảng đất xấu không trồng được ngô để trồng cỏ. Đến nay, Mèo Vạc đã có hơn 5.500 ha cỏ. Trên những cung đường về trung tâm huyện Mèo Vạc, ở các triền núi cỏ voi, cỏ VA06 chen vào những rặng đá tai mèo mọc tươi tốt, xanh um. Chỉ tay về những rặng núi xa, anh Vàng Mí Sử bảo: “Ở Lũng Chinh, Lũng Pù, Giàng Chu Phìn… đồng bào mình cũng trồng được nhiều cỏ lắm, Mèo Vạc không còn con bò nào bị thiếu cỏ, đói ăn nữa. Mình hay nói đùa với bà con “tìm được con bò gầy trơ xương còn khó hơn cả việc leo lên đỉnh Mã Pì Lèng”.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, giai đoạn 2013-2015, đơn vị đã hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo trên địa bàn hai huyện Mèo Vạc và Đồng Văn với quy mô 300 con bò nuôi vỗ béo trong thời gian ba năm. Theo đó, hỗ trợ 100% thức ăn tinh, thuốc thú y cho bò thịt; người dân đối ứng bò để nuôi, chuồng nuôi, cám ngô, thức ăn thô xanh, công lao động. Thành công của dự án đã giúp thay đổi mạnh mẽ nhận thức của người dân. Đối với huyện Mèo Vạc điều này càng trở nên quan trọng khi có đến 80% số hộ dân nơi đây gắn bó với nghề chăn nuôi gia súc. Giờ đây, hầu như hộ chăn nuôi nào ở Mèo Vạc cũng biết cách trồng cỏ, tạo nguồn thức ăn phong phú cho gia súc. Đây được xem là bước khởi đầu để người dân sản xuất, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Mèo Vạc chỉ là một trong số những mô hình mà ngành khuyến nông đã làm tốt vai trò của mình. Trải khắp đất nước còn có rất nhiều mô hình thành công mang đậm dấu ấn của ngành khuyến nông. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh chia sẻ, nhiều sản phẩm, mô hình khuyến nông đã tạo thành nghề cho bà con nông dân, điển hình như câu chuyện vỗ béo bò của bà con đồng bào H’Mông ở Mèo Vạc. Ngành khuyến nông đã làm tốt vai trò chuyển giao tiến bộ về kỹ thuật, tiến bộ về tổ chức sản xuất cho nhà nông. Sau khi kết thúc dự án nhiều mô hình vẫn tiếp tục được duy trì và lan tỏa sâu rộng, hoạt động thuyết phục, làm thay đổi nhận thức và kỹ năng sản xuất nông nghiệp của người nông dân.
Phát huy vai trò hệ thống khuyến nông cơ sở
Theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, hiện nay, nhiều địa phương đã thực hiện việc hợp nhất các trạm khuyến nông để thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện. Ngành khuyến nông hiện không còn đầu mối để quản lý và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cấp cơ sở. Tính đến cuối năm 2020, chỉ còn 38 tỉnh, thành phố duy trì cán bộ khuyến nông cấp xã với số lượng khoảng 6.500 người.
Theo ghi nhận, ở những địa phương sau khi bỏ chức danh cán bộ khuyến nông, các công việc liên quan đến hoạt động này do cán bộ nông nghiệp-địa chính ở xã kiêm nhiệm. Tuy nhiên, đa số cán bộ đều thực hiện nhiệm vụ chuyên môn chính, ít dành thời gian cho khuyến nông. Hầu hết công chức địa chính chưa được đào tạo, tập huấn các hoạt động khuyến nông… khi xảy ra dịch bệnh hay thực hiện nhiệm vụ chuyên môn như chuyển giao kỹ thuật xuống cơ sở, lực lượng này gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang, Phạm Thị Thoa cho biết, đối với những địa phương vùng cao, người dân cần nhiều thời gian để được hướng dẫn tận tình, cầm tay chỉ việc, nếu như không có cán bộ khuyến nông chuyên trách sẽ ảnh hưởng lớn đến triển khai nhiệm vụ chuyên môn.
Nhiều ý kiến cho rằng, lĩnh vực khuyến nông cần có kiến thức chuyên môn riêng mà không phải các công chức nông nghiệp-địa chính nào cũng thay thế hoàn toàn được. Đối với những địa phương chủ yếu phát triển nông nghiệp nên cân nhắc giữ lại chức danh khuyến nông. Ở các địa phương khác, tùy vào điều kiện thực tế có thể xem xét việc “tích hợp”, bố trí một chức danh không chuyên trách theo dõi lĩnh vực nông nghiệp (gồm cả thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông) giao cho Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện ký hợp đồng làm việc và trả phụ cấp theo quy định.