Buôn bán ngà voi ma mút đe dọa lệnh cấm ngà voi của Trung Quốc

BVR&MT – Cuộc điều tra kéo dài 4 tháng của Ủy ban công lý động vật hoang dã (WJC) cho thấy lệnh cấm ngà voi của Trung Quốc có nguy cơ gặp rủi ro từ hoạt động buôn bán trực tuyến hợp pháp ngà voi ma mút len – sản phẩm vốn không nằm trong tình trạng được bảo vệ ở Trung Quốc. Và điều đáng quan ngại là liệu các sản phẩm này có thể thúc đẩy nhu cầu về ngà voi hoặc hoạt động như một vỏ bọc cho việc buôn bán các sản phẩm bị cấm?

Lệnh cấm buôn bán ngà voi của Trung Quốc và các hành động thực thi pháp luật đã có ảnh hưởng sâu sắc nhưng nhu cầu về ngà voi ma mút lại tăng cao. (Ảnh: Weibo)

Từ tháng 8 – 12/2020, WJC đã thực hiện cuộc điều tra bí mật nhằm đánh giá mức độ buôn bán trái phép động vật hoang dã đang diễn ra trên các nền tảng thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc. Kết quả cho thấy có hơn 4.000 quảng cáo rao bán động vật hoang dã hoặc các sản phẩm của chúng bao gồm cả voi ma mút len, lạc đà, kỳ lân biển, công và tê giác, trong đó ít nhất 85% không thuộc tình trạng “được bảo vệ” ở Trung Quốc, đồng nghĩa với việc chúng có thể được mua bán hợp pháp. Riêng với các loài được luật pháp bảo vệ ở Trung Quốc, cuộc điều tra chỉ xác định được các sản phẩm từ khoảng 14 loài được rao bán, chiếm khoảng 15% tổng số quảng cáo – dù WJC không xác minh liệu chúng có thể được mua hay không. WJC đánh giá tình trạng này là “cấp độ thấp” của các quảng cáo hàng hóa bất hợp pháp.

Theo WJC, những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã tham gia các sáng kiến ​​quốc tế nhằm loại bỏ buôn lậu động vật hoang dã và truy quét nó khỏi thương mại điện tử, trong khi chính sách và hành động thực thi ở Trung Quốc một mặt ngăn chặn những kẻ buôn lậu nhưng mặt khác có thể thúc đẩy chúng hoạt động ngầm hơn nữa. Các chính sách mà Trung Quốc đề ra bao gồm cả lệnh cấm năm 2017 đối với việc buôn bán ngà voi và lệnh cấm năm 2020 đối với buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã  – quy định vốn được coi là biện pháp khẩn cấp sau sự bùng phát của virus corona. Các biện pháp này được kỳ vọng sẽ làm giảm hoạt động buôn bán thương mại điện tử bất hợp pháp nhưng các nhà điều tra đã rất ngạc nhiên với sự xuất hiện số lượng lớn các sản phẩm làm từ ngà voi ma mút len. Chúng chiếm khoảng 73% tổng số quảng cáo được xác định trong cuộc điều tra. Những sản phẩm này được làm từ ngà hóa thạch của các loài động vật đã tuyệt chủng, phần lớn được khai thác ở Siberia và chuyển sang Trung Quốc, chúng bao gồm các bức tượng nhỏ được chạm khắc tỉ mỉ và được bán với giá 26.000 đô la Mỹ cùng các đồ trang sức được bán với giá vài trăm đô la Mỹ, riêng mặt dây chuyền thì rẻ hơn. Việc buôn bán hoàn toàn hợp pháp, thậm chí được chính phủ khuyến khích như một sự thay thế cho ngà voi để sử dụng trong nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, WJC cảnh báo hoạt động buôn bán các sản phẩm này có thể thúc đẩy nhu cầu hoặc hoạt động như một vỏ bọc cho việc buôn lậu ngà voi.

“Điều quan trọng là phải xem xét liệu hoạt động buôn bán ngà voi ma mút có dễ bị sử dụng như một phương pháp để “rửa” ngà voi nhằm phục vụ các thị trường ngà voi truyền thống như Đặc khu hành chính Hồng Kông, Trung Quốc đại lục và Nhật Bản hay không bởi nghiên cứu gần đây cho thấy ở Nhật Bản, ngà voi đang được bán dưới vỏ bọc này”, WJC nhấn mạnh.

Các nhân viên điều tra đã liên hệ với 23 thương nhân bán các sản phẩm từ ngà voi ma mút và phát hiện 4/11 chủ hàng có thể “sẵn sàng và / hoặc” tìm nguồn ngà voi để bán. Các mặt hàng được cung cấp bao gồm 5 ngà voi nguyên chiếc cùng đồ trang sức và tượng nhỏ. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm phần nhỏ, hầu hết các câu trả lời từ các đại lý cho thấy người bán cảm thấy không còn đáng để mạo hiểm buôn bán ngà voi sau lệnh cấm – dù WJC không thể xác minh loại ngà voi đang được bán.

Giám đốc tình báo WJC Sarah Stoner cho rằng lệnh cấm của Trung Quốc và các hành động thực thi pháp luật về sau đã ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động buôn bán ngà voi ở đất nước tỉ dân. Tuy nhiên, quy mô của nhu cầu về ngà voi ma mút trong cuộc điều tra đã đặt ra câu hỏi về bức tranh buôn lậu ngà voi thực sự tại Trung Quốc, đặc biệt là khi Hồng Kông sắp áp dụng lệnh cấm hoàn toàn ngà voi vào tháng tới và Nga gần đây đã đặt giới hạn đối với việc xuất khẩu ngà voi ma mút. Vấn đề này cần được nghiên cứu sâu hơn bởi voi vẫn tồn tại và chúng vẫn có thể bị đe dọa, và bởi ngà voi ma mút chưa nằm trong nhóm được bảo vệ do đã tuyệt chủng cách đây hàng nghìn năm.

Huyền Trang (Theo scmp.com)

Tags:
CHIA SẺ