BVR&MT – Từ mảnh đất hoang hóa, người đàn ông ở xứ Thanh này đã mất 20 năm gầy dựng nên vùng đất lành cho chim trời trú ngụ, tránh sự săn bắt của con người.
Chúng tôi tìm đến “đảo cò” ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, vào lúc chiều tà. Sau một ngày đi kiếm ăn, hàng vạn con cò trở về “ngôi nhà chung” nằm giữa lòng TP Thanh Hóa này. Trên những rặng tre giữa hồ, cò đậu trắng trời; còn trên không trung, từng đàn cò đang “í ới” gọi nhau về tổ làm náo loạn cả không gian yên tĩnh. Ít ai biết rằng để có được “đảo cò” có một không hai giữa lòng TP Thanh Hóa, ông Nguyễn Trọng Hiền (SN 1967, người địa phương) đã mất bao công sức, tiền của.
Hơn 20 năm kiên trì vì cò, vạc…
Khi kể về cơ duyên gắn bó với cò, vạc, ông Hiền cho biết khu đất này trước kia là đầm lầy để hoang hóa suốt nhiều năm, chỉ có lau lách mọc um tùm; người dân địa phương quen gọi là đầm Quai Vạc. Năm 1996, gia đình ông nhận giao khoán hơn 4 ha đất tại đây để làm mô hình trang trại cá – lúa. Trong những lần cải tạo đất ở đây, ông nhận thấy có nhiều cò, vạc bay về nên đã tìm hiểu và được các cụ cao niên cho biết đầm Quai Vạc từng là điểm trú ngụ của rất nhiều loài chim trời; đặc biệt là cò, vạc, thậm chí cả chim hạc. Do trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp và Mỹ, sân bay Lai Thành được xây dựng ngay sát đầm khiến chúng bỏ đi nơi khác. Sau này, khi sân bay không còn hoạt động nữa nhưng phố thị mọc lên rất nhiều, cây cối bị chặt phá hết nên đầm Quai Vạc chẳng còn chỗ cho đàn chim trở về.
“Khi nghe câu chuyện đó, tôi đã nghĩ ngay đến việc đắp đảo, trồng cây để “mời gọi” chim trời trở về; bởi qua tìm hiểu, tôi được biết những loài chim này luôn nhớ về tổ tông nơi chúng từng sinh ra, dù có đi đâu. Từ đó, trong suốt nhiều năm, gia đình tôi vừa đào ao, nuôi cá kết hợp tạo một hòn đảo giữa hồ với mong muốn được nhìn thấy những đàn chim xưa kia trở về” – ông Hiền nhớ lại.
Trong những năm đầu tiên, ông Hiền thuê người đào đất trong khu đầm lầy để đắp đảo, sau đó mua các loại tre mà cò hay đậu để trồng trên đảo. “Năm 1997, tôi đắp đảo, trồng tre. Chỉ 1-2 năm sau, khi những rặng tre bắt đầu xanh tốt, những đàn cò bay về làm tổ và chỉ sau vài năm, cò về ngày một đông hơn. Tôi rất vui khi chứng kiến đàn cò mỗi ngày thêm đông đúc, đến nay trên đảo có gần 30.000 con. Ngoài cò trắng, cò bợ còn có vạc, sáo… cả chim hạc” – ông Hiền phấn khởi.
Bảo vệ cò như con
Với ông Hiền, để giữ được đàn cò đến ngày hôm nay là cả một “cuộc chiến”. Dù hơn 20 năm bỏ công sức để đắp đảo, trồng cây nhưng theo ông Hiền, gian nan nhất vẫn là việc giữ được đàn cò ở với mình suốt hàng chục năm qua ngay giữa lòng phố thị ồn ào. Những năm đầu tiên khi cò về, có rất nhiều thợ săn tìm đến bắn, bẫy cò. Lúc đầu, ông cũng chỉ khuyên ngăn nhưng có những thợ săn “cứng đầu”, buộc ông phải kiên quyết.
Ông Hiền nghĩ “đất lành thì chim đậu”, nếu mình gìn giữ, bảo vệ tốt thì chim mới ở, còn cứ để chúng bị quấy phá suốt, ắt chúng sẽ bỏ đi. Chính vì thế, ông chủ “đảo cò” này phải bỏ tiền ra để thuê 5 người trông coi, bảo vệ đàn cò. “Suốt nhiều năm qua, tôi coi trọng việc bảo vệ đàn cò như những đứa con của mình. Việc làm của tôi cũng được nhiều người dân quanh vùng, những người yêu thiên nhiên và chính quyền địa phương ủng hộ. Đây cũng là nguồn động viên rất lớn để tôi có thêm động lực bảo vệ, bảo tồn đàn chim này” – ông Hiền trải lòng.
Nhờ việc làm “tử tế” của ông Nguyễn Trọng Hiền suốt hơn 20 năm qua mà hàng vạn cánh cò có nơi trú ngụ an toàn giữa lòng thành phố. Chiều về, từng đàn cò bay lượn rồi đậu trắng trên những ngọn tre tạo nên một khung cảnh bình yên, thu hút khá nhiều người dân và du khách ghé thăm, thư giãn.
Mong muốn của ông Hiền sau này là “đảo cò” sẽ trở thành điểm du lịch, tham quan, trải nghiệm độc đáo của người dân và du khách khi đến TP Thanh Hóa. Ông luôn nhắc nhở con cháu mình phải biết quý trọng, bảo vệ, xem “đảo cò” như là báu vật; đồng thời mong muốn chính quyền địa phương nếu sau này bàn giao cho ai đó trông coi thì chọn những người có tâm, để đàn chim được bảo vệ mãi mãi.
Lo lắng về tương lai của “đảo cò” Theo một lãnh đạo phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, khu vực “đảo cò” mà ông Nguyễn Trọng Hiền đang trông coi, bảo vệ nằm trong diện quy hoạch thu hồi đất để triển khai các dự án. Ông Hiền cho biết trước đây khi thành phố triển khai quy hoạch, ông cũng đã nhiều lần có đơn xin giữ lại “đảo cò”, biến nơi đây thành điểm du lịch, tham quan, trải nghiệm độc đáo của thành phố để đàn chim được bảo vệ mãi mãi. “Tôi rất lo lắng về việc này và mong muốn thành phố, tỉnh Thanh Hóa có giải pháp để giữ lại đàn cò” – ông Hiền bày tỏ. |