BVR&MT – Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính (tương đương 83,5 triệu tấn carbon) so với kịch bản phát triển thông thường bằng nguồn lực trong nước.
Mức đóng góp này có thể đạt 27% (tương đương 250,5 triệu tấn carbon) nếu có sự hỗ trợ quốc tế. Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra cam kết đưa lượng giảm phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050.
Thực hiện cam kết này sẽ kích thích thị trường carbon nở rộ. Sứ mệnh của thị trường carbon là cân đối, trao đổi, bù trừ lượng giảm phát thải và lượng hấp thụ carbon giữa các ngành, phân ngành, địa phương, quốc gia, qua đó đạt được mục tiêu vĩ mô và tổng thể là đảm bảo cân bằng, trung hòa lượng phát thải ròng.
GS.TS Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, thương mại carbon rừng là nội dung mới, còn nhiều thách thức trong việc biến ý tưởng thành hiện thực, cả trên thế giới và ở Việt Nam. Có thể thấy, cả thế giới và trong nước dường như đang trong giai đoạn thí điểm. Việt Nam thí điểm là cần thiết vì còn thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh và mỏng về kinh nghiệm thực tiễn. Trong mua bán, không chỉ có giá cả, mà còn phải xác lập các quy định pháp lý về quyền tài sản và cách thức chuyển nhượng quyền tài sản.
Hiện nay, các quy định về quyền carbon, hệ thống chuyển nhượng quyền các bon, giấy chứng nhận giảm phát thải… chưa hoàn thiện. Ngoài ra, năng lực kỹ thuật còn hạn chế; thiếu nguồn đầu tư cho điều tra, theo dõi, giám sát rừng để xây dựng báo cáo đo đạc, báo cáo và kiểm chứng (MRV), nhất là việc bóc tách kết quả hấp thụ carbon từ rừng.
“Để đẩy nhanh tiến trình thương mại hóa carbon rừng, sớm đưa lợi ích đến chủ rừng, cần áp dụng giải pháp thí điểm đi trước, đi đôi với hoàn thiện một số quy định pháp luật. Hy vọng rằng, thương mại carbon từ rừng sẽ đạt được kết quả khả quan trong thời gian tới” – GS.TS Phạm Văn Điển nhấn mạnh.