BVR&MT – Năm 2020, tỉnh Lai Châu nhận được trên 472 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho 441.104ha rừng. Tỉnh đang tiếp tục đôn đốc các cơ sở có sử dụng DVMTR thực hiện kê khai và kịp thời nộp tiền ủy thác theo quy định, xử lý nghiêm đối với các đơn vị chây ì, chậm nộp và có hành vi vi phạm hành chính trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR.
Hiện nay, tổng diện tích rừng toàn tỉnh khoảng 470.470ha; trong đó 28.578ha rừng đặc dụng, 252.128ha rừng phòng hộ, 160.397ha rừng sản xuất. Năm 2021, tỉnh dự kiến thu 464 tỷ 488 triệu đồng từ 36 cơ sở sử dụng DVMTR gồm 7 cơ sở sản xuất thủy điện lớn; 23 cơ sở sản xuất thủy điện nhỏ và 6 chi nhánh nước do Công ty Cổ phần Nước sạch Lai Châu quản lý. Trong đó chi cho bên cung ứng DVMTR là 408 tỷ 749 triệu đồng (bằng 88% tổng số thu) với tổng diện tích cung ứng DVMTR là 447.687ha.
Chị Tòng Thị Hương – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh cho biết: “Quỹ tích cực tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản để tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, quỹ cũng trực tiếp ban hành các văn bản để hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR thực hiện đóng tiền đảm bảo theo đúng quy định. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Quỹ BV&PTR Việt Nam điều phối tiền chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, các chủ đầu tư nhà máy thủy điện để đảm bảo việc ký kết 100% hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với các cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực trong tỉnh chính thức đi vào hoạt động”.
Đối với các cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực liên tỉnh, Quỹ BV&PTR tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Quỹ BV&PTR Việt Nam tiếp nhận tiền ủy thác chi trả DVMTR đảm bảo đúng quy định. Đối với các cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực trong tỉnh, quỹ ký kết hợp đồng ủy thác với các nhà máy thủy điện; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị kê khai và nộp tiền ủy thác theo quy định.
Đối với các đơn vị chây ì, chậm nộp và có hành vi vi phạm hành chính trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR, quỹ phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xử phạt theo quy định. Qua đó, đảm bảo số thu tiền DVMTR của các cơ sở sử dụng DVMTR trong tỉnh; góp phần đảm bảo nguồn thu dịch vụ môi trường rừng hàng năm trên địa bàn tỉnh. 10 tháng năm 2021, quỹ đã thu các cơ sở sử dụng DVMTR là 217 tỷ 160 triệu đồng.
Ngoài ra, quỹ còn triển khai, tổ chức thực hiện hội nghị tập huấn tại các huyện, thành phố để hướng dẫn công tác hợp đồng bảo vệ rừng, xây dựng phương án sử dụng tiền DVMTR của UBND cấp xã; công tác xây dựng bản đồ, xác định diện tích chi trả DVMTR. Triển khai tạm ứng tiền DVMTR cho bên cung ứng DVMTR để chi trả tạm ứng cho người dân bảo vệ rừng theo đúng nhu cầu thực tế.
Quỹ thường xuyên cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở để phối hợp đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát bên cung ứng DVMTR là các Ban Quản lý rừng phòng hộ, UBND cấp xã chi trả tiền DVMTR cho người dân nhận bảo vệ rừng. Qua đó, kịp thời phối hợp giải quyết những thắc mắc của Nhân dân để đảm bảo công tác chi trả thực hiện theo đúng quy định. Nhờ vậy, việc chi trả cơ bản đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy định, dứt điểm không còn thắc mắc, kiến nghị của người dân.
Công trình Thủy điện Bản Chát nằm trên sông Nậm Mu có nhiệm vụ điều tiết nước cho Thủy điện Huội Quảng; tưới tiêu nước và cắt lũ vùng hạ du. Nhà máy Thủy điện Bản Chát có công suất 220MW, gồm 2 tổ máy hoạt động từ tháng 2/2013; mỗi năm sản xuất điện lượng trung bình 1 tỷ 158 triệu kWh lên hệ thống điện quốc gia, dung tích toàn bộ hồ chứa 2,1 tỷ mét khối nước. Hằng năm, công ty đóng góp vào Quỹ BV&PTR hàng tỷ đồng cho việc sử dụng DVMTR.
Ông Nguyễn Xuân Quang – Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Huội Quảng-Bản Chát cho biết: “Nhà máy Thủy điện Bản Chát nằm trên lưu vực tỉnh quản lý, đồng thời nằm trên lưu vực liên tỉnh. Công ty chủ động phối hợp với Quỹ BV&PTR tỉnh Lai Châu và Quỹ BV&PTR Việt Nam trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng để chuyển tiền chi trả DVMTR hằng năm kịp thời, đầy đủ. Về cơ bản việc chuyển tiền ủy thác đã được đơn vị thực hiện và cho đến nay đã nộp gần 100 tỷ đồng tiền DVMTR”.
Được biết, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã đầu tư, hỗ trợ trồng mới được 12.638,7ha rừng và trên 50 nghìn cây phân tán; thực hiện hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh tự nhiên với diện tích là 34.606 lượt héc ta; thực hiện chi trả DVMTR bình quân trên 440,5 nghìn héc ta/năm. Cùng với nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, nguồn chi trả DVMTR của các cơ sở sử dụng đóng vào Quỹ BV&PTR là nguồn lực quan trọng tác động trực tiếp đến việc tăng cường công tác quản lý, BV&PTR. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, tăng khả năng phòng hộ của rừng, điều hòa khí hậu, cung cấp, điều tiết nguồn nước; tạo nguồn thu ổn định cho nhân dân.