BVR&MT – Các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu và nguồn nước, được thực hiện khi xây dựng cống Cái Lớn – Cái Bé, mở thêm cơ hội cho nông dân Hậu Giang cải thiện sản xuất và nâng cao thu nhập.
Từ cuối năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang đã triển khai dự án xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn – Cái Bé.
Huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh là hai địa phương được chọn để triển khai thực hiện dự án, thí điểm bốn mô hình sinh kế đại diện cho ba vùng sinh thái nước mặn – ngọt – lợ. Bao gồm: mô hình trồng mãng cầu xiêm diện tích khoảng 9ha. Mô hình trồng lúa – rau màu, tổng diện tích khoảng 20ha. Mô hình sinh kế dứa – thủy sản khoảng 10 ha; mô hình lúa – tôm diện tích khoảng 12ha.
Sau khi được chọn để thực hiện nhân rộng mô hình sinh kế luân canh lúa – hoa màu, ông Võ Tấn Phát, người dân ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ ứng dụng trồng thử ba công dưa hấu trên nền đất lúa. Với kiến thức học được từ lớp tập huấn, ông cải tạo đất, chăm sóc, bón phân với liều lượng thích hợp, kết hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo từng giai đoạn sinh trưởng. Kết quả, ruộng dưa của ông đạt năng suất 2 tấn/0,1 ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được khoảng 20 triệu đồng.
Bên cạnh việc triển khai các mô hình, dự án còn đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất. Chẳng hạn như cống hộp, cống hở, cống hở kết hợp trạm bơm điện; thi công đường dây điện phục vụ trạm bơm, xây dựng giao thông nông thôn kết hợp nạo vét kênh thủy lợi trong vùng dự án.
Công trình cống hộp ven kênh Miếu, ấp 8, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ đã hoàn thành ngày 20/4, phục vụ tưới tiêu khoảng 26 ha đất sản xuất của 19 hộ dân canh tác lúa. Nông dân Ngô Văn Tám, ở ấp 8, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, phấn khởi cho biết, mấy năm trước không điều tiết được nước tưới tiêu, nên đến vụ Đông Xuân là sản xuất thất mùa lắm. Đến khi cống hộp kênh Miếu được đầu tư, vụ lúa Đông Xuân 2021 – 2022 có nước nên 1,5 ha lúa của gia đình được bảo vệ, đã yên tâm sản xuất.
Cùng với đó, dự án thực hiện các hoạt động phi công trình khác như: hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, thành lập và củng cố các tổ hợp tác sản xuất, thông tin, tuyên truyền tổ chức hội thảo cho từng mô hình, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo, các tư vấn tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp liên kết chuỗi…
Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, Hậu Giang hưởng lợi rất nhiều từ dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé nói chung và dự án triển khai các mô hình sinh kế nói riêng. Qua đây, không chỉ giúp kiểm soát nguồn nước mà còn giúp nông dân chủ động trong sản xuất, nhất là các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi hạn, mặn.
Các mô hình sinh kế và hạ tầng thủy lợi đi kèm giúp phần nào giảm bớt áp lực đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế. Các dự án sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn chỉnh hạ tầng thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.