BVR&MT – Trong những tuần gần đây, các công ty chạy quảng cáo Facebook đã thúc đẩy những tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm về biến đổi khí hậu trên nền tảng mạng xã hội này, ngay trong thời gian diễn ra hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh).
Vài ngày sau khi ông Nick Clegg, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook, trình bày những nỗ lực của công ty trong việc đối phó với thông tin sai lệch về khí hậu nhân dịp khai mạc COP26, mạng truyền thông bảo thủ Newsmax đã chạy một quảng cáo trên Facebook tuyên bố rằng quan điểm “sự nóng lên toàn cầu do con người tạo ra” là “một trò lừa bịp”.
Trong khi đó, một tổ chức nghiên cứu theo chủ nghĩa tự do của Mỹ lại chạy một quảng cáo về việc làm thế nào mà “những chuyên gia tiên đoán thảm họa” lại dự đoán sai về các cuộc khủng hoảng khí hậu trong nhiều thập kỷ như vậy.
Công ty Facebook (gần đây đổi tên thành Meta) không hề có chính sách cụ thể nào liên quan đến thông tin sai lệch về khí hậu trong các quảng cáo cũng như trong các bài đăng không cần trả phí. Tháng trước, “gã khổng lồ tìm kiếm” Google của Alphabet tuyên bố sẽ cấm những quảng cáo mâu thuẫn với sự đồng thuận khoa học về biến đổi khí hậu trên YouTube và các dịch vụ khác của hãng, mặc dù vẫn cho phép những nội dung thảo luận về các phát ngôn sai sự thật.
Facebook thường không gỡ thông tin sai lệch trong các bài đăng trừ khi xác định rằng, chúng có khả năng gây ra những tác hại trong thế giới thực, như cách mà công ty xử lý những thông tin sai lệch chung quanh dịch bệnh Covid-19.
Facebook cho biết sẽ đánh tụt tương tác các bài đăng mà bị cho là “sai sự thật” bởi các đơn vị kiểm chứng thông tin bên thứ ba (trong đó có Reuters), và áp lệnh cấm đối với các quảng cáo có chứa những nội dung sai lệch bị bóc trần này.
Cũng theo mạng xã hội lớn nhất thế giới, các đơn vị chạy quảng cáo liên tục đăng thông tin sai lệch có thể phải đối mặt với các hạn chế về khả năng quảng cáo trên Facebook.
Khi được hỏi về việc các quảng cáo thúc đẩy thông tin sai lệch liên quan đến khí hậu, người phát ngôn của Facebook cho hay, mặc dù những quảng cáo như thế này chạy trên nhiều nền tảng, nhưng Facebook cung cấp thêm một lớp minh bạch bằng cách yêu cầu chúng phải được lưu giữ và công khai với công chúng trong Thư viện Quảng cáo (Ad Library) của công ty trong vòng ít nhất 7 năm sau khi xuất bản.
Tổ chức nghiên cứu độc lập InfluenceMap có trụ sở tại Vương quốc Anh đã xác định rằng, những quảng cáo đưa thông tin sai lệch về COP26 trên Facebook đến từ một số cơ quan truyền thông và các công ty phân tích khác. Đồng thời, InfluenceMap cũng phát hiện các công ty nhiên liệu hóa thạch và các nhóm vận động hành lang đã chi 574 nghìn USD cho các quảng cáo về chính trị-xã hội trên nền tảng mạng xã hội này trong suốt thời gian diễn ra hội nghị khí hậu tại Glasgow với hơn 22 triệu lượt hiển thị, trong đó có nội dung thúc đẩy những nỗ lực của họ về môi trường mà theo InfluenceMap mô tả là “quảng cáo xanh” (greenwashing) – thuật ngữ chỉ những hành vi truyền đạt sai lệch hoặc cung cấp thông tin sai lệch nhằm đánh bóng thương hiệu, đánh lừa người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm của công ty là thân thiện với môi trường.
Facebook đã bắt đầu thêm nhãn thông tin vào các bài đăng về biến đổi khí hậu để hướng người dùng đến Trung tâm Khoa học Khí hậu, một trung tâm mới với các sự kiện và câu đố thu hút hơn 100 nghìn người truy cập mỗi ngày, theo như tiết lộ của mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Trả lời phỏng vấn trong một sự kiện trực tuyến về kinh doanh có trách nhiệm mới đây, giám đốc công nghệ của Facebook Mike Schroepfer thừa nhận tồn tại mối lo ngại chung quanh việc mọi người chia sẻ thông tin sai lệch về khí hậu trên Facebook.
“Chúng tôi liên tục đánh giá lại tình trạng thế giới cũng như vai trò của chúng tôi, bắt đầu bằng việc cố gắng cho phép mọi người tự do bày tỏ ý kiến và sau đó can thiệp khi có những mối nguy hại xảy ra mà chúng tôi có thể ngăn chặn”, ông cho hay.
Đại diện của Facebook không trả lời trực tiếp câu hỏi tại sao nền tảng mạng xã hội này không cấm tất cả những quảng cáo thông tin sai lệch về khí hậu, nhưng lại nói rằng công ty “không muốn mọi người thu lợi từ thông tin sai lệch”.
Các cách tiếp cận của Facebook đối với thông tin sai lệch và sự hoài nghi về khí hậu đã gây ra cuộc tranh luận trong đội ngũ nhân viên công ty. Những nội dung thảo luận trên bảng tin nội bộ của Facebook cho thấy các nhân viên đang tranh cãi về cách thức mà công ty nên xử lý những thông tin sai lệch về khí hậu, cũng như đưa ra các thí dụ về việc này ngay trên nền tảng. Chẳng hạn như trong một bài đăng hồi đầu năm nay, một nhân viên Facebook cho biết đã cùng đồng nghiệp phát hiện ra các tập tài liệu về “những kết quả nổi bật của thông tin sai lệch” khi đang tìm kiếm thông tin liên quan biến đổi khí hậu trong mục xem video (Watch).
Những tài liệu này nằm trong bộ nhớ đệm gồm các tiết lộ được gửi tới Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) và Quốc hội Mỹ bởi người tố giác Frances Haugen, một cựu giám đốc sản phẩm đã rời Facebook hồi tháng 5 vừa qua.
Bình luận trong một bài đăng hồi tháng 4/2021 nói về cam kết giảm tác động môi trường của Facebook, một nhân viên đã đặt câu hỏi liệu công ty có thể bắt đầu phân loại và loại bỏ các thông tin sai lệch về khí hậu cũng như trò lừa bịp khỏi nền tảng của mình hay không.
Hai nhà nghiên cứu bên ngoài làm việc với Facebook về các nỗ lực của công ty liên quan biến đổi khí hậu chia sẻ với Reuters rằng, họ muốn thấy mạng xã hội lớn nhất thế giới tiếp cận vấn đề thông tin sai lệch về khí hậu với mức độ chủ động, khẩn cấp tương tự như đã làm với thông tin sai lệch về dịch Covid-19 thời gian vừa qua.