BVR&MT – Ngày 17-11, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 1851/UBND-NL về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2021-2022.
Để chủ động công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), tổ chức huy động lực lượng chữa cháy rừng kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra; UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan có liên quan và các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện nghiêm những biện pháp về PCCCR được quy định tại Luật Lâm nghiệp, Luật Phòng cháy và chữa cháy, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, UBND tỉnh Gia Lai; đặc biệt là Kế hoạch số 1734/KH-UBND ngày 5-11-2021 của UBND tỉnh về PCCCR mùa khô 2021-2022.
Ủy ban nhân dân tỉnh lưu ý UBND cấp huyện củng cố, kiện toàn và hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện, xã; chỉ đạo UBND cấp xã, hạt kiểm lâm, đơn vị chủ rừng và các đơn vị có liên quan trên địa bàn thực hiện các biện pháp PCCCR; ban hành Kế hoạch PCCCR mùa khô 2021-2022 cấp huyện; lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, hộ gia đình được nhận rừng và các đơn vị khác có liên quan trên địa bàn trong việc thực hiện các biện pháp an toàn về PCCCR.
Ủy ban nhân dân cấp xã, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định về bảo vệ rừng và PCCCR; quản lý chặt chẽ việc đốt dọn nương rẫy không để lửa cháy lan vào rừng; thực hiện các biện pháp an toàn về PCCCR; UBND cấp xã, hộ gia đình, cộng đồng dân cư điều chỉnh, bổ sung, lập và tổ chức thực hiện phương án PCCCR theo quy định tại Điều 45, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 18-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tình hình PCCCR và cháy rừng cho cấp trên theo quy định.
Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy rừng trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục kiểm lâm chủ động, nắm bắt tình hình thực hiện công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh, báo cáo và kịp thời đề xuất UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT để chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện các biện pháp PCCCR hiệu quả; chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) kiểm tra, đôn đốc các Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện, các đơn vị chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCCR; cung cấp số liệu cấp dự báo cháy rừng cho Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh để thông báo 2-3 lần/tuần trong mùa khô năm 2021-2022; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR cho cộng đồng dân cư; triển khai thực hiện các công trình PCCCR theo kế hoạch năm 2022; bố trí lực lượng trực PCCCR tại cơ quan và các trọng điểm cháy; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng; chuẩn bị phương tiện, trang-thiết bị, dụng cụ sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.
Các đơn vị chủ rừng chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện phương án PCCCR đối với diện tích do đơn vị quản lý; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR đến cộng đồng dân cư, hướng dẫn người dân xử lý thực bì trong sản xuất nương rẫy không để xảy ra cháy rừng; thực hiện các biện pháp an toàn về PCCCR; xây dựng các công trình PCCCR đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả PCCCR trong mùa khô; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ, hậu cần sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra…