BVR&MT – Tỉnh Yên Bái đã đưa vấn đề bảo vệ môi trường, giảm thải rác thải nhựa trở thành mối quan tâm hàng đầu trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương và tạo sự lan tỏa, đồng thuận nhập cuộc của toàn xã hội.
Mấy năm trước, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và sắp xếp mãi, cơ quan tôi mới bố trí được 3 ngày cuối tuần cho chuyến đi khám phá một bãi biển mới đưa vào khai thác ở Thanh Hóa.
Ai cũng háo hức vì với người miền núi, mỗi khi hè về luôn cố gắng có được một chuyến đi biển. Bởi thế, vừa đến bãi biển này và nghỉ ngơi chốc lát, cả đoàn cùng nhau tắm biển.
Nhưng rồi, tất cả vô cùng thất vọng khi thấy mình như bị lút vào biển nước bùng nhùng túi nilon và vô số vật dụng do hoạt động sinh hoạt của con người thải ra do nơi tắm cũng là nơi cửa sông đổ ra biển. Nhô nhào, tán loạn tìm chỗ sạch rác, nhưng cũng chỉ được khoảng 20 phút tất cả phải nhao lên bờ.
Than vãn về rác biển, được dân địa phương cho biết, mấy hôm trước mưa lớn ở thượng nguồn sông Mã đã cuốn rác đổ ra biển. Nghe vậy, lúc bình tĩnh, tôi chợt nhớ lại hơn chục năm trước, con sông Hồng chảy qua Yên Bái chắc chắn cũng đã từng nhiều năm gây ra cảnh tương tự.
Bởi lẽ, rác thải sinh hoạt ở Yên Bái đã có thời trở thành vấn đề vô cùng quan ngại của mỗi địa phươn. Tuy chưa có con số thống kê lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày trên địa bàn tỉnh khi đó, nhưng có lẽ nó không kém là mấy so với con số hiện tại khoảng trên dưới 400 tấn/ngày và hơn phần nửa khối lượng rác nằm ở vùng nông thôn, với trên 10% là rác thải nhựa (RTN).
Trong khi đó, duy nhất thành phố Yên Bái có bãi rác lớn (bãi rác Tuần Quán) tập kết rác rồi phun hóa chất, chôn lấp nhưng qua nhiều năm đã bội tải nặng và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các thị trấn, thị xã, nơi thì có bãi rác nhỏ hoặc không có.
Đã vậy, việc thu gom rác rất bất cập do nhân lực thiếu hụt, phương tiện, hạ tầng đường dân sinh yếu kém, nhất là ở nông thôn; thậm chí, ngay cả ở thành phố Yên Bái mới chỉ thu gom rác thải được ở những vị trí tiện đường lớn đẩy được xe gom rác. Cho nên, nhiều người hễ chỗ nào tiện khe, suối, sông, đường vắng là “thả” rác xuống đó, khiến cho khe suối “nghẹt thở” vì rác, mà khe, suối ở Yên Bái thì nhiều và hầu hết đi qua những khu đông dân cư.
Để rồi, theo quy luật “trăm khe đổ về một suối, trăm suối đổ về một sông, trăm sông cùng đổ về một biển” nên sông Hồng bấy giờ không chỉ “chở nặng phù sa” mà nó còn oằn mình “cõng thêm” đủ thứ rác trên lưu vực dài 1.149 km từ Vân Nam (Trung Quốc); trong đó, có 510 km qua Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng rồi đổ ra biển.
Ngoài đồng ruộng cũng la liệt vỏ chai nhựa, túi thuốc bảo vệ thực vật… Vì thế, giải pháp nào để xử lý rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề “nóng” trên nghị trường các cấp nhiều năm lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, với một quyết tâm cao của tỉnh, từ đầu những năm 2010 trở lại đây, “nút thắt” về xử lý rác thải sinh hoạt đã dần được tháo gỡ và tạo nên những thành công ngoạn mục.
Dấu ấn khởi động cho quyết tâm này phải kể đến việc tỉnh đã tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách để thu hút một doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng, đó là Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái.
Năm 2012, nhà máy xử lý rác thải của Công ty này đi vào hoạt động không chỉ giải quyết được lượng rác thải lớn ở thành phố Yên Bái mà còn vươn đến một phần các địa phương lân cận. Trong đó, nhà máy đã tái chế được trên 60% rác thải gồm: tái chế thành phân vi sinh chiếm 52%, thành hạt nhựa khoảng 9% và thu gom được một lượng tương đối lớn rác thải kim loại, còn lại được chôn lấp.
Dù vậy, lượng rác thu gom về nhà máy mới chỉ đạt khoảng 130 – 150 tấn/ngày và mới chỉ đáp ứng khoảng 40% công suất chế biến, từ 250 – 300 tấn rác/ngày, nếu chạy đủ công suất. Vì vậy vẫn còn khả năng tiếp nhận thêm rác thải ở các huyện lân cận thành phố và biến nguồn rác thải từ nguy cơ hủy hoại môi trường thành tài nguyên kinh tế. Vấn đề đặt ra là, giữa nhà máy và tỉnh cần tiếp tục giải bài toán cơ chế phối hợp tháo gỡ những “điểm nghẽn” về thu gom rác, phương tiện và chi phí vận chuyển rác…
Bước ngoặt nữa trong xử lý rác thải sinh hoạt cũng như RTN ở Yên Bái, đó là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được khởi động từ năm 2011 và sau này có thêm Cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”.
Qua tiếp cận cơ sở, điểm chung khó thực hiện nhất trong các tiêu chí NTM, nhất là NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là tiêu chí về môi trường. Chẳng hạn, để đạt được NTM nâng cao thì tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý theo đúng quy định phải đạt 75% trở lên; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được phân loại, áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đạt từ 35% trở lên; có mô hình bảo vệ môi trường (BVMT) hoạt động thường xuyên, hiệu quả, thu hút sự tham gia của cộng đồng; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn và đảm bảo bền vững đạt từ 60% trở lên…
Chính những khắt khe của tiêu chí về môi trường đã thúc đẩy cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội ở Yên Bái phát huy sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo để huy động sự nhập cuộc đồng bộ, quyết liệt, thiết thực, hiệu quả chung tay BVMT.
Cụ thể, ở vùng nông thôn Yên Bái, hiện đang phổ biến nhất là những mô hình BVMT, giảm thiểu rác thải nhựa (GTRTN) như: thành lập được các tổ tự quản BVMT; xây dựng các tuyến đường tự quản về môi trường của các tổ chức, đoàn thể để vừa thuận tiện đi lại vừa dễ thu gom rác thải, đảm bảo đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp; ; xây dựng bể rác gia đình và được hướng dẫn tự phân loại rác và xử lý rác thải tại chỗ; đóng góp kinh phí thu gom rác thải, tập kết rác đúng giờ để gom rác đến nơi quy định; ngoài đồng ruộng đều bố trí các lu chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; nhiều khu dân cư xây dựng các lò đốt rác mi ni…
Yên Bái có 173 xã, phường, thị trấn; trong đó, có 150 xã thì có tới 53% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong 9 huyện thị, thành phố, có huyện Trấn Yên được công nhận huyện NTM đầu tiên ở khu vực Tây Bắc; thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ được công nhận hoàn thành xây dựng NTM; huyện Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên phấn đấu đạt huyện NTM trong nhiệm kỳ 2020 – 2025…
Như vậy, có thể thấy Yên Bái đang huy động được một lượng lớn dân cư tham gia vào BVMT, GTRTN thông qua chương trình xây dựng NTM.
Ngoài sự nhập cuộc của các địa phương, mỗi ngành, tổ chức, đoàn thể ở Yên Bái đều có những cách làm hay, sáng tạo và sức lan tỏa mạnh trong BVMT và GTRTN. Điển hình như Hội Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền đến hội viên và xác định rõ phụ nữ giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng NTM và trực tiếp BVMT, GTRTN.
Thời gian qua, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền BVMT gắn với Phong trào “Phụ nữ chung tay xây dựng NTM”; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; tuyên truyền BVMT qua nhóm Zalo, Facebook…, hội phụ nữ các cấp tỉnh Yên Bái đã xây dựng được gần 1.400 mô hình thu gom rác thải; thực hiện trên 1.700 đoạn đường phụ nữ tự quản vệ sinh môi trường; xây dựng trên 200.000 hố rác gia đình, hàng chục hố thu gom rác tập trung ở khu dân cư vùng nông thôn; hỗ trợ hàng chục thùng rác đặt tại các khu dân cư; làm hàng chục lu chứa rác trên đồng ruộng và xây dựng nhiều lò đốt rác mi ni; tổ chức được hàng trăm buổi phụ nữ ra quân BVMT…
Cùng đó, nhiều mô hình GTRTN hiệu quả rất thiết thực và giàu tính nhân văn, có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng như xây dựng nhiều “Ngôi nhà xanh bảo vệ môi trường” gồm 3 ngăn chứa từng loại rác thải: nhựa, kim loại; bao bì giấy để bán lấy tiền giúp đỡ hội viên nghèo. Mới đây, Hội Phụ nữ xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên còn ra mắt mô hình đổi phế liệu tái chế lấy hàng nhu yếu phẩm như: muối, dầu gội, xà phòng, nước mắm…
Đoàn thanh niên cũng là lực lượng xung kích đi đầu BVMT. Việc tuyên truyền thu hút thanh niên tham gia BVMT được Tỉnh đoàn Yên Bái tiến hành thường xuyên, nội dung phong phú, thiết thực với từng khu vực: nông thôn, thành thị, công sở, trường học, nhà máy.
Các hoạt động BVMT thường được tổ chức vào các đợt cao điểm như: Chiến dịch thanh niên tình nguyện; Chiến dịch tình nguyện hè; Chiến dịch mùa đông – xuân tình nguyện; Chủ nhật xanh; Ngày thứ bảy tình nguyện; Ngày Môi trường thế giới; dịp kỷ niệm thành lập Đoàn, Hội, Đội…
Riêng với hoạt động GTRTN, chủ yếu được triển khai ở các khu vực thị trấn, thành phố. Trong đó, tuổi trẻ thành phố Yên Bái là điển hình có rất nhiều hoạt động tích cực như: ra mắt thành lập nhiều đội thanh niên tự quản BVMT; xây dựng nhiều bể chứa rác thải đồng ruộng; quyên góp mua gần 100 “Thùng rác tuổi trẻ” đặt ở các khu dân cư; tổ chức hàng chục buổi lao động tình nguyện thu gom rác thải và RTN ở các khe, suối, hồ nước, cống rãnh, công viên… và ra quân tuyên truyền, cổ động nhân dân tích cực tham gia BVMT.
Ngành giáo dục và đào tạo chú trọng tích hợp nội dung giảng dạy để bồi dưỡng kiến thức BVMT và GTRTN, RTN đại dương cho học sinh, giúp các em vừa là lực lượng đông đảo BVMT vừa trở thành những tuyên truyền viên BVMT. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc thi trong các nhà trường về sáng tạo giải pháp tái chế RTN.
Qua đó, thành được các mô hình học cụ từ rác thải nhựa, các dụng cụ trồng cây; vật dụng sinh hoạt, học tập; đồ chơi cho trẻ em… Các cơ quan hạn chế dùng nước đóng vỏ chai nhựa; hàng tháng tham gia Chương trình “Ngày thứ Bảy cùng dân” để làm nhiều công việc ở cơ sở; trong đó, dành nhiều thời gian cho công tác vệ sinh môi trường.
Cùng với những việc làm nêu trên, yếu tố then chốt tạo nên thành công trong BVMT, GTRTN ở Yên Bái, đó là, nhiều năm qua, tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền về BVMT, bảo vệ biển đảo.
Cụ thể, năm 2019, Yên Bái ký kết chương trình phối hợp công tác tuyên truyền biển đảo giữa Tỉnh ủy Yên Bái và Đảng ủy Quân chủng Hải quân. Cùng đó, tỉnh chỉ đạo tập trung tuyên truyền thực hiện Đề án tăng cường bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, có một số mục tiêu trong số 20 mục tiêu cụ thể của Đề án có liên quan trực tiếp đến GTRTN gồm: tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 90%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị 93,4%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn đạt trên 51,2%; tỷ lệ cơ quan nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện; các siêu thị, khu du lịch phải có quy định, cam kết, kế hoạch triển khai về chống RTN theo phát động của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn đạt 50%…
Từ công tác phối hợp và sự chỉ đạo của tỉnh, Báo Yên Bái, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh… chú trọng xây dựng, tuyên truyền thường xuyên các nội dung liên quan đến BVMT và GTRTN.
Riêng Báo Yên Bái, nhiều năm qua, luôn duy trì chuyên mục “BVMT hướng đến phát triển bền vững”; chuyên mục “Biển đảo quê hương” và xây tặng một cột cờ theo mô hình cột cờ chủ quyền biển đảo tại Trường Tiểu học và THCS xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên là xã có 100% đồng bào Mông sinh sống nhằm tuyền truyền nâng cao nhận thức, tình yêu, niềm tự hào và trách nhiệm của người dân vùng cao với biển đảo, trong đó có trách nhiệm về BVMT…
Với những nỗ lực trên, công tác BVMT ở Yên Bái đã tạo nên những thành công ngoạn mục. Trước hết là, tỉnh đã đưa vấn đề BVMT, GTRTN trở thành mối quan tâm hàng đầu trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương và tạo sự lan tỏa, đồng thuận nhập cuộc của toàn xã hội.
Cán bộ, nhân dân từ thành thị đến nông thôn, từ vùng thấp đến vùng cao, nhất là nơi thu hút đông khách du lịch đều đoàn kết chung sức, đồng lòng đưa ra các giải pháp thiết thực tham gia BVMT. Cảnh quan môi trường được bảo vệ; đặc biệt, không còn tình trạng xả thải rác bừa bãi như trước đây; trong đó, RTN đã có nhiều biện pháp thu gom, xử lý tốt để hạn chế tối đa RTN phát tán ra suối, sông và đổ ra biển.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “5 phương hướng phát triển, 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm” với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trên 3 trụ cột là kinh tế – xã hội – môi trường theo hướng “phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.