BVR&MT – Chuyên gia về chính sách khí hậu của tổ chức Climate Analytics, bà Claire Stockwell mới đây đã đánh giá cao việc Việt Nam ký Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch tại Hội nghị COP26.
Chuyên gia về chính sách khí hậu của tổ chức khí hậu Climate Analytics, bà Claire Stockwell mới đây đã đánh giá cao việc Việt Nam ký Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa bế mạc tại Glasgow, Vương quốc Anh.
Bà Stockwell nhấn mạnh: “Việc Việt Nam thông qua thỏa thuận loại bỏ than là một bước phát triển đáng hoan nghênh.”
Bà cho rằng để hạn chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, than đá phải được loại bỏ dần khỏi ngành điện vào năm 2030 ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và trên toàn cầu vào năm 2040.
Tuy nhiên, điều quan trọng là việc chuyển đổi từ than đá cần chuyển sang năng lượng tái tạo chứ không phải chuyển sang khí đốt tự nhiên và việc loại bỏ hoàn toàn cần đạt được vào năm 2040 chứ không phải vào “những năm 2040.”
Theo bà Stockwell, tuyên bố trên cho biết Việt Nam và một số quốc gia cam kết nhanh chóng mở rộng quy mô công nghệ và chính sách trong thập niên này để đạt được quá trình chuyển đổi từ sản xuất điện than vào những năm 2030 (hoặc càng sớm càng tốt) cho các nền kinh tế lớn và trong những năm 2040 (hoặc càng sớm càng tốt sau đó) trên toàn cầu.
Tuyên bố nêu rõ các nước sẽ ngừng cấp giấy phép cho các dự án phát điện chạy bằng than mà chưa có thỏa thuận tài chính, ngừng các kế hoạch xây dựng mới và chấm dứt hỗ trợ trực tiếp mới của chính phủ.
Bà Stockwell cho biết tổ chức Climate Analytics đang trong quá trình đánh giá mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Hội nghị COP26 đã bế mạc ngày 13/11 với việc các bên thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow, theo đó tái khẳng định mục tiêu giới hạn sự tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp; kêu gọi việc “giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả.”
Một trong những nội dung chính của Hội nghị COP26 là mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 cũng được nhiều lãnh đạo trên thế giới cam kết mạnh mẽ.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hội nghị COP26 đã chứng kiến nhiều cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. 105 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cùng tham gia sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu.
Việt Nam cũng tham gia sự kiện Hành động về rừng và sử dụng đất do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì, hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, góp phần đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C.
Các nhà lãnh đạo toàn cầu cũng thông qua đóng góp 19 tỷ USD vào quỹ công-tư, đầu tư vào bảo vệ và phục hồi rừng; thông qua kế hoạch đẩy lùi nạn phá rừng.