BVR&MT – Nhờ chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng chè, đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Nà Tăm (huyện Tam Đường) đã đổi thay rõ rệt. Cây chè đã phát huy hiệu quả kinh tế, trở thành “cây xóa đói giảm nghèo”, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Những năm trước đây, người dân xã Nà Tăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ nên cái đói, cái nghèo đeo bám quanh năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2015 lên tới trên 50%. Được sự đầu tư của Nhà nước, vài năm trở lại đây, người dân Nà Tăm đã biết thâm canh cây chè chất lượng cao, diện tích chè của xã ngày một tăng, đến nay toàn xã có 178,2ha chè. Nhờ chăm sóc, thu hái đúng yêu cầu kỹ thuật đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi đến thăm đồi chè của gia đình chị Lò Thị Sanh ở bản Nà Hiềng trong lúc chị và mọi người đang tất bật thu hái chè. Dưới cái nắng chói chang, ai nấy mồ hôi đầm đìa nhưng mọi người đều phấn khởi bởi chè được giá, cho thu nhập cao. Qua câu chuyện với chị Sanh, chúng tôi được biết, trước đây toàn bộ diện tích này gần như bỏ hoang quanh năm do không có nước sản xuất, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào diện tích lúa, ngô nhưng cũng không đáng là bao. Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư giống, phân bón để trồng chè, gia đình chị mạnh dạn trồng gần 1ha chè, đến nay, những búp chè được thu hái đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình chị, kinh tế ổn định hơn.
Chị Sanh vui mừng nói: “Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi khó khăn lắm. Từ khi trồng chè, gia đình tôi tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật của cơ quan chuyên môn. Nhờ chú trọng khâu chăm sóc nên diện tích chè sinh trưởng và phát triển tốt, mỗi lứa thu hoạch được 5-6 tạ, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Nhờ trồng chè, gia đình tôi vơi bớt khó khăn, cuộc sống ấm no hơn trước”.
Dừng chân bên nương chè của gia đình ông Lò Văn Chăn ở bản Nà Hiềng, chúng tôi thật sự ấn tượng với đồi chè xanh bạt ngàn, trải dài ngút tầm mắt. Ông Chăn phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 3ha chè kim tuyên, shan tuyết. Nhờ được sự hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ của cán bộ xã cùng với làm tốt công tác phòng, trừ sâu bệnh, diện tích chè của gia đình tôi phát triển tốt; mỗi lứa gia đình tôi thu được trên 1 tấn chè. Sau 5 năm gắn bó với cây chè, tôi thấy đây là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, giá thành ổn định, có giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác. Từ trồng chè, mỗi năm mang lại cho gia đình tôi từ 80-100 triệu đồng”.
Để góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, năm 2015 xã Nà Tăm lựa chọn cây chè đưa vào trồng thí điểm tại địa phương, với các giống chè chủ yếu: shan tuyết, kim tuyên. Thấy hiệu quả bước đầu từ cây chè mang lại, Nà Tăm tiếp tục thực hiện Đề án phát triển thâm canh cây chè chất lượng cao. Để thực hiện có hiệu quả đề án, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân, từ đó Nhân dân tích cực chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng chè chất lượng cao.
Anh Lò Văn Kẻo – Phó Chủ tịch UBND xã Nà Tăm chia sẻ: Là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Tam Đường, để góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xã Nà Tăm định hướng cho người dân trồng và phát triển cây chè. Xác định chè là cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch chè theo đúng quy trình kỹ thuật. Đến nay, tổng diện tích chè của xã 178,2ha, trong đó chè kiến thiết cơ bản là 87,3ha, chè kinh doanh 69,2ha, năng suất ước đạt 75 tạ/ha, sản lượng đạt 7.222,5 tấn. Năm 2021, chỉ tiêu của huyện giao 30ha, trong 9 tháng năm nay xã đã thực hiện cấp phát phân bón, trồng mới 21,7ha chè (đạt 72,3% kế hoạch), những tháng cuối năm xã sẽ phấn đấu đạt kế hoạch trồng chè mới năm nay. Nhờ việc liên doanh, liên kết với các công ty thu mua chè đã giúp cho giá cả ổn định, mang lại thu nhập cao cho người nông dân trên địa bàn.
Sau 6 năm bám rễ, cây chè giờ đây đã đứng vững trên những vùng đất đồi khô cằn, trở thành cây “xóa đói giảm nghèo” của xã Nà Tăm. Nhiều gia đình trồng chè ở các bản: Nà Hiềng, Nà Ít, Coóc Nọc… có nguồn thu từ chè trung bình 80-100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm chỉ còn 29,54% (năm 2020), bà con trên địa bàn xã ngày càng gắn bó hơn với cây chè.