BVR&MT – Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, ý kiến, kiến nghị của cử tri về ô nhiễm môi trường là một trong những nhóm ý kiến chiếm tỷ lệ cao và thường có tính chất bức xúc. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu HĐND chất vấn ở các kỳ họp; Thường trực HĐND tỉnh cũng đã ban hành các kết luận về phiên chất vấn, trả lời chất vấn, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong đó có đề nghị chỉ đạo giải quyết, xử lý các nội dung này.
Trong những năm qua, kinh tế – xã hội của tỉnh được duy trì và phát triển, tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra, nhất là những địa bàn có nhiều hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển vật liệu xây dựng (VLXD); một số cơ sở sản xuất, chế biến xả thải chưa qua xử lý; ý thức của một bộ phận nhân dân chưa cao trong phân loại rác thải sinh hoạt, chăn nuôi với quy mô lớn trong khu dân cư, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật xong xả rác ra các lòng kênh mương, sông, gây ô nhiễm nguồn nước,… ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống, sức khỏe của nhân dân. Chính vì vậy, tại các hội nghị tiếp xúc cử tri trước các kỳ họp HĐND, nội dung ý kiến về ô nhiễm môi trường luôn là một trong những nhóm ý kiến chiếm tỷ lệ cao và thường có tính chất bức xúc. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu HĐND chất vấn ở các kỳ họp; Thường trực HĐND tỉnh cũng đã ban hành các kết luận về phiên chất vấn, trả lời chất vấn, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong đó đề nghị chỉ đạo giải quyết, xử lý các nội dung này.
Khắc phục và giải quyết ô nhiễm môi trường là một vấn đề khó, đòi hỏi có nguồn lực lớn cũng như lộ trình về thời gian, sự phối kết hợp của nhiều cấp, ngành. Song, để giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri về vấn đề ô nhiễm môi trường có tính chất bức xúc (khói bụi, tiếng ồn do khai thác, chế biến, vận chuyển VLXD; trong sản xuất công nghiệp; thu gom, xử lý rác thải; ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi…), Thường trực HĐND, UBND tỉnh cùng các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm đôn đốc, chỉ đạo, giám sát, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết những hạn chế, tồn tại về môi trường, cố gắng nỗ lực cao nhất giải quyết những kiến nghị của cử tri về vấn đề này.
Nhìn lại suốt nhiệm kỳ 2016-2021 cho thấy: Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh đã tăng cường thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề về môi trường như: Giám sát đối với việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ở nông thôn và xử lý chất thải tại các khu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác đá, chế biến vật liệu xây dựng khu vực phía Tây sông Đáy; giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát về công tác bảo vệ môi trường… Thông qua giám sát đã kiến nghị thực hiện, đồng thời thường xuyên đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kết luận sau giám sát, các ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Về phía UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương, trong những năm qua cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, như: Đề án 261/ĐA-UBND về tổng thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm; Đề án số 887/ĐA-UBND về phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Phủ Lý; phường Hòa Mạc, phường Đồng Văn (thị xã Duy Tiên) và các thị trấn giai đoạn 2020-2022; Quyết định phân vùng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp tình hình thực tế… Cùng với đó, bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ tỉnh đến cơ sở cũng được quan tâm xây dựng và củng cố. Đồng thời, bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường, như: đầu tư phương tiện, điều kiện làm việc để nâng cao năng lực trong công tác quản lý môi trường; thực hiện các biện pháp xử lý sự cố, khắc phục ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực, công suất thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường được tăng cường… Công tác quản lý, nâng cấp duy tu, bảo dưỡng một số tuyến đường khu vực Tây Đáy được quan tâm…
Qua việc triển khai thực hiện, một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; một số doanh nghiệp, người dân đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn do khai thác đá, chế biến, vận chuyển, nổ mìn VLXD mặc dù có giảm, song chưa chuyển biến rõ rệt. Hoạt động giám sát việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với từng doanh nghiệp chưa được toàn diện, thường xuyên, vẫn còn hiện tượng tạo rung chấn và tiếng nổ lớn, phát tán khói bụi (cử tri xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm vẫn tiếp tục phản ánh với Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XIX). Việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện các kết luận sau thanh tra chưa được tiến hành thường xuyên. Việc phân loại rác tại nguồn có mặt còn hạn chế, nên khối lượng rác thu gom để xử lý lớn; năng lực về công nghệ, tài chính để đầu tư, xây dựng thêm các nhà máy xử lý rác thải chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến còn tình trạng ùn ứ rác (khối lượng rác tồn đọng từ năm 2006 đến nay khoảng 60.000 tấn tại thung Đám Gai, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm chưa được xử lý); một số địa phương chưa phối hợp chặt chẽ với đơn vị dịch vụ môi trường để thực hiện vận chuyển hết khối lượng rác tồn đọng tại một số bể trung chuyển về nhà máy xử lý, gây ô nhiễm, mất cảnh quan môi trường. Việc xử lý chất thải chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi trong các khu dân cư tập trung chưa được xử lý triệt để. Tình trạng ô nhiễm do sản xuất tại một số làng nghề, nhà máy các cụm công nghiệp, trong khu công nghiệp còn diễn ra…
Với mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh các cấp, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng, góp phần bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trên địa bàn, trong đó có việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhất là những nội dung có tính chất bức xúc, kéo dài, kết quả giải quyết còn hạn chế như vấn đề ô nhiễm môi trường, ngay từ đầu nhiệm kỳ mới 2021-2026, Thường trực HĐND đã rất quan tâm, chú trọng đến nội dung này.
Trong chương trình công tác của cả nhiệm kỳ, việc giám sát về giải quyết các kiến nghị cử tri liên quan đến môi trường sẽ tiếp tục được tăng cường thực hiện. Nội dung này cũng đã được Thường trực HĐND tỉnh chọn làm chủ đề để trao đổi, thảo luận tại hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố lần thứ nhất nhiệm kỳ 2021-2026 hồi trung tuần tháng 9/2021 vừa qua. Trong các phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh hằng tháng cũng đều có nội dung lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo tình hình giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; sau các phiên họp đều có thông báo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh về những việc cần tiếp tục tập trung đôn đốc, giám sát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải quyết…
Cùng với đó, sự quyết liệt của UBND tỉnh trong chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết các nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến môi trường cũng như thực hiện các giải pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sẽ là những tác nhân hết sức quan trọng để có thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra, bảo đảm lợi ích chính đáng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.