BVR&MT – Nhờ trồng rừng sản xuất mà nhiều hộ dân ở xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) có cuộc sống khấm khá hơn. Chính quyền đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng rừng nhằm nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Khấm khá nhờ trồng rừng
Gia đình ông Đinh Phá là một trong những hộ tiên phong trồng rừng sản xuất ở làng Groi. Từ 1 ha keo trồng năm 2000, đến nay, gia đình ông có 10 ha và trở thành hộ khá giả ở xã Ya Hội. Dẫn chúng tôi tham quan rừng keo nằm trên một quả đồi, ông Phá kể: Trước đây, nhà ông có 10 ha đất trồng mía, lúa và mì. Tuy nhiên, các loại cây trồng này luôn bấp bênh về giá cả nên cuộc sống gia đình chỉ ở mức đủ ăn. Năm 2000, ông trồng thử 1 ha keo từ nguồn vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Thấy loại cây này hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, ông trồng thêm 3 ha nữa. Đến năm 2015, 4 ha cây keo đem lại thu nhập cho gia đình 70 triệu đồng, ông tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích rừng trồng. “Tính ra thì trồng rừng hiệu quả kinh tế cao, ít tốn công chăm sóc, rủi ro thấp. Hiện nay, với 10 ha rừng trồng, gia đình tôi có nguồn thu nhập khá cao, cuộc sống ngày càng được cải thiện. Tôi đã xây được nhà khang trang, mua ti vi, xe máy xịn từ trồng rừng đấy”-ông Phá bộc bạch.
Ở làng Groi, nhiều gia đình có cuộc sống ổn định từ trồng rừng. Trưởng thôn Đinh Năng cho hay: “Làng có 165 hộ với 97% là người Bahnar. Trong 5 năm trở lại đây, nhiều hộ đã tận dụng diện tích đất đồi, bạc màu để trồng keo và bạch đàn. Đến nay, làng có hơn 80% hộ dân trồng rừng sản xuất. Hộ ít thì trồng 5 sào còn hộ nhiều thì gần 20 ha. Nhờ trồng rừng mà đời sống của bà con cũng dần thay đổi theo hướng tốt hơn với 65% số hộ dân có mức thu nhập khá trở lên”.
Nghề trồng rừng cũng đã giúp nhiều gia đình khác trong xã Ya Hội vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình là trường hợp gia đình anh Phùng Văn Trang (làng Mông). Hiện tại, anh Trang có hơn 30 ha keo và bạch đàn. “Năm 2011, tôi thu được 100 triệu đồng từ 1 ha rừng keo trồng năm 2006. Thấy trồng rừng mang lại thu nhập cao mà ít công chăm sóc, tôi mở rộng diện tích theo kiểu trồng gối đầu hàng năm. Vì thế mà năm nào tôi cũng có thu hoạch. Hiện nay, tổng diện tích rừng trồng của gia đình là hơn 30 ha, trong đó tôi đầu tư cho hộ khác trồng 10 ha và sẽ chia lợi nhuận sau thu hoạch. Ngoài ra, tôi cũng thu mua cây rừng trồng của bà con bán lại cho 2 nhà máy chế biến ở tỉnh Bình Định. Nhờ trồng rừng nên gia đình xây được ngôi nhà trị giá 400 triệu đồng và mua một xe tải”-anh Trang phấn khởi.
Hướng đi mới
Xã Ya Hội có nhiều diện tích đất đồi núi rất phù hợp với trồng rừng sản xuất. Vì thế từ những năm 2000, UBND xã đã vận động người dân thay đổi cây trồng phù hợp với thực tế địa hình đất đai nhằm có thu nhập cao hơn. Chủ trương này nhận được sự hưởng ứng của bà con. Diện tích rừng trồng ở xã được mở rộng hàng năm. Các làng có diện tích rừng trồng nhiều là Groi, Bung Tờ Số và làng Mông.
Anh Đinh Văn Loai (làng Groi) chia sẻ: “Mình biết trồng rừng là nhờ gia đình ông Đinh Phá và cán bộ xã. Họ nói trồng rừng có thu nhập ổn định hơn cây mì, cây lúa mà ít công chăm sóc. Vì thế, năm 2016, mình vay ngân hàng 50 triệu đồng để trồng 2,5 ha keo. Giờ thì có 18 ha rồi. Cuối năm nay, mình sẽ thu hoạch 2,5 ha keo trồng từ năm 2016. Chưa biết giá cả thế nào nhưng thấy vườn cây nhà mình có đường kính thân to nên cũng mừng”.
Theo ông Dương Thái Thạch-Chủ tịch UBND xã Ya Hội, trên địa bàn hiện có hơn 191 ha rừng trồng. Trong đó, cây keo được trồng nhiều nhất. “Với chủ trương thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong các làng dân tộc thiểu số, những năm qua, xã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng sản xuất, mở ra hướng đi mới mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Từ đó, diện tích rừng trồng được mở rộng hàng năm. Mấy năm gần đây, người dân đã áp dụng mô hình kinh tế kết hợp giữa trồng rừng với cây ăn quả và chăn nuôi. Mặt khác, nhiều hộ dân đã mạnh dạn nhận khoán trồng rừng nên có thu nhập khá. Chính vì vậy, đời sống của người dân trong xã được nâng lên, nhiều hộ vươn lên làm giàu”-ông Thạch nói.
Trao đổi với P.V, ông Phan Xuân Thọ-Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ya Hội-cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện kê khai diện tích đang sản xuất nông nghiệp trên quy hoạch lâm nghiệp trong lâm phần của đơn vị để chuyển sang trồng rừng sản xuất. Mặt khác, chúng tôi cũng cử lực lượng hỗ trợ làm thủ tục chuyển đổi, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng cháy rừng. Do đó, người dân chuyển sang trồng rừng nhiều hơn. Đơn cử như trong năm 2021 này, có 22 hộ đăng ký trồng 33 ha rừng và đã trồng xong 29 ha”.