BVR&MT – Trong năm 2021, huyện Si Ma Cai phấn đấu mở rộng diện tích cây dược liệu với diện tích ổn định đạt trên 100 ha, đầu tư sơ chế để nâng cao giá trị các loại cây dược liệu, tiến tới trồng cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao, quy mô tập trung tại các xã Sín Chéng, Lùng Thẩn, Cán Cấu, Quan Hồ Thẩn và Nàn Sín.
Để phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững, huyện Si Ma Cai Cai đã và đang khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Dược liệu đang được huyện Si Ma Cai định hướng là cây trồng mũi nhọn, phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng đến nâng cao giá trị canh tác trên 1 ha đất canh tác, mở rộng diện tích với những loại cây dược liệu phù hợp đã đem lại giá trị kinh tế cao.
Ông Trần Xuân Huy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Si Ma Cai cho biết: Trung tâm đã đánh giá các mô hình cây dược liệu đã triển khai, từ đó khảo sát, phân loại, lựa chọn, xây dựng các phương án phù hợp nhất; tham mưu cho huyện xây dựng và phát triển các vùng cây dược liệu theo quy mô tập trung để thuận lợi cho việc thu mua và sơ chế sản phẩm sau này.
Các cơ chế và chính sách hỗ trợ người dân cũng được huyện Si Ma Cai vận dụng từ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Để giúp người dân thuận lợi trong chuyển đổi sang trồng cây dược liệu, huyện có chính sách đặc thù như hỗ trợ giống, phân bón, nilon che phủ, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Huyện còn hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tiêu thụ sản phẩm.
Các chính sách hỗ trợ đồng bộ đã góp phần nâng cao diện tích, chất lượng và sản lượng cây dược liệu. Đến thời điểm này, các xã trên địa bàn huyện Si Ma Cai đã được hỗ trợ kinh phí hơn 10 tỷ đồng cho việc phát triển cây dược liệu.
Đây là năm đầu tiên gia đình anh Sùng Seo Sở, thôn Lử Thẩn, xã Lùng Thẩn trồng cây dược liệu. Được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên diện tích cây đương quy của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất, sản lượng cao. Anh Sùng Seo Cở cho biết: Hy vọng gia đình có thu nhập cao từ diện tích đương quy này. Nếu vụ này thành công, sang năm gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích và trồng thêm một số loại dược liệu khác.
Thực tế cho thấy, trong triển khai thực hiện, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Si Ma Cai vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bài toán đặt ra là nếu người dân sản xuất đại trà thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm vẫn còn nhiều vấn đề.
Trong thời gian tới, huyện Si Ma Cai tiếp tục tìm giải pháp trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu 100% sản lượng cây dược liệu được sản xuất theo chuỗi khép kín từ quản lý sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước tạo đầu ra ổn định. Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát cây dược liệu, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng năng suất đối với những loài cây dược liệu giá trị kinh tế cao. Xây dựng cơ chế, chính sách lồng ghép nguồn vốn đầu tư của nhà nước, của doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc đào tạo, tập huấn cho người dân về sản xuất, thu hái, bảo quản và chế biến dược liệu an toàn.