BVR&MT – Các kết quả đo khí quyển được thu thập bởi các khinh khí cầu thời tiết ở Bắc bán cầu trong 40 năm qua cho thấy, biến đổi khí hậu đang đẩy ranh giới trên của tầng đối lưu – phần bầu trời gần mặt đất nhất – đi lên đều đặn với tốc độ 50 đến 60 mét mỗi thập kỷ.
Phát hiện này vừa được công bố trên Science Advances ngày 5/11.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Jane Liu, nhà khoa học môi trường tại Đại học Toronto cho biết. nhiệt độ là động lực thúc đẩy sự thay đổi này. Tầng đối lưu có độ cao khác nhau trên khắp thế giới, cao tới 20 km ở vùng nhiệt đới và thấp xuống chừng 7 km gần các cực. Trong năm, ranh giới trên của tầng đối lưu tăng và giảm tự nhiên theo các mùa khi không khí nở ra vì nhiệt và co lại khi lạnh. Nhưng khi khí nhà kính giữ nhiệt ngày càng nhiều trong khí quyển , tầng đối lưu đang mở rộng lên cao hơn vào bầu khí quyển.
Bà Liu và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng, tầng đối lưu cao lên khoảng 200 mét từ năm 1980 đến năm 2020. Gần như tất cả thời tiết đều xảy ra ở tầng đối lưu, nhưng không chắc rằng sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng lớn đến thời tiết, các nhà nghiên cứu cho biết. Tuy nhiên, nghiên cứu này là một lời nhắc nhở quan trọng về tác động của biến đổi khí hậu đối với thế giới của chúng ta, bà Liu nhấn mạnh.
Trước đó, trong một nghiên cứu số, các nhà khoa học đã thực hiện hai thí nghiệm mô hình hóa bằng cách cố định lượng chất làm suy giảm tầng ozone (ODS) và phát thải khí nhà kính ở mức năm 1960. Kết quả cho thấy, trên quy mô toàn cầu, chiều cao tầng đối lưu sẽ tiếp tục tăng với tốc độ nhanh hơn từ năm 2000–2080 so với trước đây nếu lượng ODS được cố định. Thay vào đó, nếu lượng phát thải khí nhà kính được cố định, thì chiều cao tầng đối lưu sẽ giảm sau năm 2000.
Bà nói: “Chúng ta đã nhận thấy những dấu hiệu của sự ấm lên toàn cầu xung quanh chúng ta, khi các sông băng rút đi và mực nước biển dâng cao. Và bây giờ, chúng ta thấy những dấu hiệu đó ở độ cao của tầng đối lưu”.