BVR&MT – Nghiên cứu từ Học viện Nông nghiệp Bogor (IBP), Indonesia cảnh báo khoảng 30 loài linh trưởng ở đất nước vạn đảo có thể bị tuyệt chủng vào năm 2050 dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Dựa trên việc phát triển mô hình phân bố loài với các kịch bản liên quan đến các khía cạnh của biến đổi khí hậu, nghiên cứu ước tính 75% các loài thuộc họ Tarsidae sẽ tuyệt chủng vào năm 2050; 50% nhóm họ vượn (Hylobatidae) biến mất; đười ươi Sumatra (Pongo abelii) và loài cu li Java (Nycticebus javanicus) cùng tuyệt chủng vào năm 2050.
Theo chuyên gia IBP Mirza D Kusrini thuộc IBP, nhiệt độ ngày càng tăng khiến dân số hoặc sự phân bố của các loài linh trưởng trên một số hòn đảo giảm xuống, đặc biệt là ở Java và Sulawesi. Ngoài ra, biến đổi khí hậu và sự thay đổi cảnh quan cũng tác động lên hệ động vật Indonesia và ảnh hưởng không nhỏ đến các loài động vật hoang dã khác.
Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập kế hoạch và chiến lược bảo tồn linh trưởng nhằm duy trì các quần thể linh trưởng trong nước. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu tâm đến một số động vật quý hiếm, đặc hữu của Indonesia bao gồm quần thể rồng Komodo – loài nguy cấp trong Sách đỏ IUCN.
Theo một kịch bản về biến đổi khí hậu trong một nghiên cứu năm 2020, số lượng rồng Komodo có khả năng suy giảm vào năm 2050 bởi chúng là loài rất dễ bị tổn thương khi bị thay đổi và mất môi trường sống.
Ngoài các vườn quốc gia, rồng Komodo sống rải rác trên khu vực đất liền thuộc đảo Flores. Chúng rất nhạy cảm với những thay đổi trong việc sử dụng đất ở Flores trong vài thập kỷ gần đây. Việc để mất môi trường sống và tiếp tục chuyển đổi đất có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm dân số và sự phân bố của loài tại Flores. Khi nhiệt độ ấm lên, sẽ có những khu vực khô hơn và gây ảnh hưởng đến các quần thể lưỡng cư, bò sát.
Để bảo tồn các loài sinh vật, Mirza cho rằng cần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. Bằng không, chúng ta không chỉ mất kế sinh nhai mà còn cả giống loài của chúng ta nữa.
Huyền Trang (Theo antaranews.com)