BVR&MT – Sáng ngày 05/ 11, Liên hiệp các Hội Khoa hoc và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và truyền thông. Chủ trì Hội thảo có sự góp mặt của Tiến sĩ Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng Liên hiệp Hội Việt Nam và PGS.TS Phạm Bích San, nhà xã hội học cùng một số lãnh đạo các cơ quan báo chí.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, báo chí nước ta đang phải đối đầu với sự phát triển vũ bão của mạng xã hội. Công nghệ phát triển tạo ra mạng lưới báo chí công dân rộng khắp cạnh tranh khốc liệt với báo chí chính thống. Mặc dù, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động bám sát với sự phát triển công nghệ nhưng sự cạnh tranh là vô vàn khó khăn. Gần đây, xuất hiện những nhà báo, phóng viên trở thành những anh hùng bàn phím chuyên xào nấu lại thông tin trên mạng chưa được kiểm chứng để giật title, câu view… Một số nhà báo vì những lợi ích cá nhân hay xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau đã sử dụng thông tin trên mạng xã hội đưa tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến nhận thức, nắm bắt tin tức của công chúng. Hay một số nhà báo lợi dụng danh nghĩa báo chí để dọa nat, trục lợi cá nhân. Vì thế, trong thời gian qua không ít những nhà báo đã phải trả giá, thu thẻ thậm chí rơi vào lòng lao lý.
Theo nhà báo Nguyễn Danh Châu, Phó Tổng biên tập Báo Tri thức và Cuộc sống cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm đạo đức báo chí mà một trong số đó phải nói đến là sự ảo tưởng về quyền lực. Một số nhà báo tự coi mình là một thứ quyền lực. Không những vậy, cơ chế thị trường và vấn đề liên quan đến kinh tế cũng làm cho một số bộ phận phóng viên bị tha hóa, sẵn sàng thỏa hiệp với cái xấu, nắn ngòi bút mưu cầu miếng cơm manh áo, vinh thân phi gia, thỏa mãn thứ quyền lực ảo tưởng. Hơn nữa, nhiều cơ quan báo chí, nhất là những Tạp chí khó khăn bắt thực hiện định mức kinh tế cho phóng viên khiến họ phải chạy khắp nơi xin quảng cáo. Vì thế, mới có câu chuyện phóng viên báo chí “đánh đấm”, cấu kết thành nhóm đi o ép, dọa nạt doanh nghiệp và nhận cái kết buồn”.
Trong phần tham luận của mình tại Hội thảo, nhà báo Lê Hồng cũng chỉ ra ba nguyên tắc bất biến của nghề báo nói chung, báo khoa học nói riêng trong hệ thống báo chí Liên hiệp hội. Thứ nhất, không được phép nói sai sự thật, khi nào viết mà thấy “lăn tăn” thì tốt nhất là không nên viết. Nguyên tắc thứ hai, đó là động cơ của tác giả. Nghề báo mà tất cả mọi hoạt động trong đời sống xã hội đều có động cơ, mục đích làm việc. Vấn đề nằm ở chỗ, động cơ đó là gi? Tốt hay xấu? Một khi động cơ không trong sáng việc bẻ cong ngòi bút là điều khó tránh khỏi. Nguyên tắc thứ ba, chính là “tính chuẩn mực”. Khi đưa tin hoặc phê phán bất cứ điều gì, hãy đặt mình vào vị thế, vị trí của người bị phê phán. Không nên dùng ngòi bút để đẩy ai đó đến đường cùng. Sự chuẩn mực còn nằm ở liều lượng thông tin, phê phán cái xấu những phải biết nâng niu, trân trọng cái tốt. Điều này, rất quan trọng với các nhà báo thuộc Liên hiệp Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam bởi có thể chỉ vì một bài báo thôi, có thể làm nhụt chí, thậm chí, đổ vỡ cả một công trình khoa học. Sự chuẩn mực không chỉ nằm ở phê phán mà cả trong khen ngợi cũng nên lưu ý. Sự tâng bốc quá lời, sai sự thật cũng chẳng khác gì một liều độc dược.
Bởi vậy, để nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo, các cơ quan báo chí cần nâng cao trách nhiệm, thường xuyên chia sẻ, nâng cao kĩ năng, nghiệp vụ cho phóng viên. Các cơ sở đào tạo về báo chí cần bổ sung, tăng thời lượng các môn học giáo dục đạo đức nghề nghiệp của nhà báo cho đội ngũ những người làm báo tương lai. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Chi hội, Hội Nhà báo trong việc giữ gìn, nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có lồng ghép các vấn đề có liên quan đến đạo đức, nghề nghiệp. Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động báo chí được diễn ra một cách lành mạnh, chuyên nghiệp và cuối cùng, tăng cường sự giám sát, quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí.
Quỳnh Anh