BVR&MT – Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai ban hành chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Lào Cai là tỉnh miền núi, có tính đa dạng sinh học cao với Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bát Xát. Tài nguyên sinh học của tỉnh được ghi nhận phong phú với nhiều loại động thực vật quý hiếm có trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, trong những năm qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn các nguồn gen động thực vật đặc hữu và quý hiếm. Nghiêm cấm các hoạt động săn bắn các nguồn gen, động vật hoang dã. Phục hồi các diện tích rừng góp phần mở rộng môi trường sống cho các loài động vật hoang dã. Triển khai thực hiện các dự án du lịch sinh thái trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Tổ chức giáo dục tuyên truyền cho người dân và khách du lịch về ý thức bảo vệ môi trường và bảo vệ rừng, ký cam kết bảo vệ rừng, nghiêm cấm các hoạt động săn bắn các nguồn gen, động vật hoang dã.
Để quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn tính đa dạng sinh học, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3049/QĐ-UBND ngày 05/11/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng tỉnh Lào Cai giai đoạn 2013-2020; Đề án bảo tồn nguồn gen động, thực vật phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2014 – 2020; Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 22/4/2013 triển khai Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2020; Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của tỉnh theo Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý đa dạng sinh học còn nhiều bất cập, tỉnh chưa có đánh giá tổng thể hiện trạng, phương án quy hoạch tổng thể đa dạng sinh học để theo dõi, quản lý một cách đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán, quảng cáo, sử dụng trái phép động vật hoang dã chưa được ngăn chặn triệt để; vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã vẫn diễn ra, có nguy cao làm suy giảm nguồn lợi động vật trong thiên nhiên, phá hủy hệ sinh thái, môi trường, gây tác động tiêu cực đến nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các Công ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Với mong muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, góp phần quản lý, bảo tồn giá trị đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói riêng và Việt Nam nói chung, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các Sở, ban, ngành tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học gắn với Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong việc tổ chức, thực hiện các quy định về quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học. Nhân rộng các mô hình, sáng kiến bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Quản lý đồng bộ tài nguyên đa dạng sinh học. Lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Điều tra, thống kê xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ và ngăn ngừa, phòng trừ hiệu quả các loài ngoại lai xâm hại. Bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động kinh doanh, gây nuôi, sử dụng, vận chuyển trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất của chúng.
Giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị; Báo cáo và tổng hợp kiến nghị, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị liên quan, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Chiến Hữu – Xuân Mạc