BVR&MT – Ngày 27/6, tại Hà Nội, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam (VIFA) phối hợp cùng Tổ chức Tropenbos Việt Nam đã tiến hành Hội thảo “Phổ biến chính sách Chi trả Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) góp phần quản lý rừng bền vững và cải thiện sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao”.
Hội thảo có sự tham dự của ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA), ông Triệu Văn Hùng, Chủ tịch VIFA, ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc Tropenbos Việt Nam, ông Yasu Hiromi, Giám đốc Quỹ giảm nghèo Nhật Bản uỷ thác qua ADB, đại diện Viện Quản lý Rừng bền vững và chứng chỉ rừng (SFMI), đại diện Quỹ bảo vệ phát triển rừng các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Lào Cai,… cùng đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực lâm nông nghiệp và môi trường.
Về Quỹ bảo vệ phát triển rừng (FPDF). Quỹ dược thành lập theo Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 của Chính phủ. Tính đến tháng 6/2016, 41 tỉnh đã thành lập FPDF, trong đó 37 tỉnh thành lập Ban Quản lý Quỹ để thực hiện các hoạt động chi trả DVMTR. Trong 5 năm qua, tổng số tiền FES là hơn 5.700 tỷ đồng (khoảng 260 triệu USD).
Phát biểu tại Hội thảo, GS. Vương Văn Quỳnh, đại diện FPDF nhấn mạnh: Mục đích quan trọng nhất của chính sách Chi trả DVMTR (PFES) đã đạt được là thanh toán tiền mà đối tượng sử dụng DVMTR (FES) trả cho người dân trực tiếp bảo vệ rừng.
Trong những năm qua cơ chế thanh toán DVMTR đã được xây dựng, vận hành và phát huy hiệu quả về môi trường, hiệu quả kinh tế và xã hội. Tiền DVMTR đã trở thành động lực để bảo vệ rừng, ngăn chặn sự suy giảm diện tích rừng và suy thoái chất lượng rừng tự nhiên còn lại, đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, chính sách này còn một số vướng mắc cần khắc phục. Thứ nhất, đơn tiền FES còn thấp và không đủ để trang trải các nhu cầu tối thiểu của một hộ gia đình. Thứ hai, Nghị định 99 quy định 5 loại FES nhưng trong 5 năm qua chỉ có 3 loại dịch vụ được thực hiện bao gồm: thuỷ điện, cung cấp nước sạch và kinh doanh du lịch, trong khi đó các dịch vụ cacbon rừng và rừng ngập mặn vẫn chưa được áp dụng. Thứ ba, các hoạt động giám sát PFES chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức.
Chia sẻ về hoạt động giám sát PFES, một trong những khâu tối quan trọng trong quá trình thực hiện Chính sách Chi trả Dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam, PGS.TS Triệu Văn Hùng, chủ tịch VIFA cho rằng tiềm năng mở rộng thực hiện chính sách Chi trả DVMTR ở các tỉnh là rất lớn, tuy nhiên còn thiếu các nghiên cứu sâu để xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho các loại Dịch vụ mới.
Việc nghiên cứu chi trả DVMTR cần tiến hành trong nhiều lĩnh vực ở từng từng tỉnh để đánh giá các dịch vụ sinh thái rừng và thí điểm thực hiện, công việc này cần có sự hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài.
Cũng tại Hội thảo, TS. Hoàng Ngọc Hiện, chuyên gia VIFA đã chia sẻ một số kết quả và bài học kinh nghiệm từ Dự án Tả Ngải Chồ, do VIFA phối hợp cùng Quỹ Môi trường toàn cầu Chương trình các tài trợ nhỏ (UNDP/GEF SGP) thực hiện.
Dự án này đã thúc đẩy tăng cường năng lực cộng đồng thôn bản trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch nhằm hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ở xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, góp phần quản lý rừng bền vững và sẵn sàng thực hiện REDD+ ở cấp tỉnh. Đồng thời, đời sống của đồng bào vùng cao nơi đây đã được cải thiện rõ rệt thông qua các mô hình kinh tế như: trồng hồi, trồng ngô, nuôi lợn, nuôi gà…
Quang Minh – Đình Thọ