BVR&MT – Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson đã ca ngợi thỏa thuận sẽ giúp cộng đồng quốc tế hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C vào năm 2030 so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Ngày 2/11, các nhà lãnh đạo của hơn 100 quốc gia đã đạt được thỏa thuận ngăn chặn và đảo ngược nạn phá rừng vào năm 2030 trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh). Các quốc gia này đại diện cho hơn 85% rừng toàn cầu.
Cam kết được hỗ trợ bởi hơn 19 tỷ USD trong các quỹ công và tư cho kế hoạch được sự ủng hộ từ nhiều nước như Brazil, Trung Quốc, Colombia, Congo, Indonesia, Nga và Mỹ.
Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson đã ca ngợi thỏa thuận này trong phát biểu khởi động cuộc họp về rừng và sử dụng đất tại hội nghị COP26.
Ông khẳng định thỏa thuận sẽ giúp cộng đồng quốc tế hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C vào năm 2030 so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Lãnh đạo của hơn 30 tổ chức tài chính cũng đã cam kết “loại bỏ đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng”.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong bài phát biểu ngắn gọn của mình tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ sẽ “giúp thế giới thực hiện mục tiêu chung là ngăn chặn mất rừng tự nhiên và khôi phục ít nhất 200 triệu hecta rừng và các hệ sinh thái khác vào năm 2030”.
Theo Tổng thống Biden, chính quyền Mỹ sẽ yêu cầu Quốc hội chi 9 tỷ USD cho việc bảo tồn rừng đến năm 2030 và sẽ làm việc với khu vực tư nhân, cũng như các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất của nạn phá rừng. Nhà Trắng cũng đã công bố một kế hoạch dài 25 trang, gồm 4 điểm để bảo tồn các khu rừng toàn cầu trước cuộc họp trên.