BVR&MT – Thực hiện kế hoạch Tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban dẫn đầu vừa có chuyến làm việc tại một số địa phương miền núi Tây Bắc thuộc 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La.
Tại Sơn La, làm việc với đoàn có ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy cùng Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La. Triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, tỉnh đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Sơn La đã tập trung cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể để phát triển nông nghiệp; phát huy được những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, phát triển các loại nông sản, thủy sản và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang tính đặc trưng của địa phương. Nông nghiệp tỉnh Sơn La đã không ngừng vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu vượt bậc…
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng được Sơn La triển khai quyết liệt, đồng bộ, tạo được sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của nhân dân với nhiều mô hình mới, cách làm hay. Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh đã có 83 sản phẩm. Việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn đạt kết quả tốt; nhiều công trình cơ sở hạ tầng về đường giao thông, trường học, điện, thủy lợi, nhà văn hóa… khang trang, hiện đại, sạch đẹp. Công tác nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn được triển khai kịp thời, có hiệu quả. Đời sống của các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, phúc lợi xã hội và đời sống của các đối tượng chính sách được nâng lên…
Tại huyện Mai Sơn, một huyện điển hình trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Sơn La, có gần 11.000 ha diện tích chuyên canh cây ăn quả. Huyện đã tập trung phát triển hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, Mai Sơn có 140 HTX, trong đó có 120 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp với trên 6.300 thành viên. Doanh thu bình quân của các HTX đạt từ 2-2,5 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của thành viên, lao động HTX đạt từ 4-4,5 triệu đồng/tháng. Mô hình trồng na và cây ăn quả có múi cho năng suất cao, đạt được những thành công lớn. Huyện đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng trên đất dốc kém năng suất sang chuyên canh một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Tại huyện Mộc Châu, mô hình trồng hoa công nghệ cao tại Công ty CP Hoa nhiệt đới Mộc Châu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công ty có trên 20 ha trồng các loại rau, hoa chất lượng cao, nổi bật như các loại hoa lan, hoa ly…; là đơn vị tiên phong trong áp dụng khoa học-công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Tại tỉnh Hòa Bình, qua làm việc với Thường trực Tỉnh ủy cho thấy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW đã đạt được những kết quả quan trọng. Xác định vị trí, vai trò của phát triển sản xuất nông nghiệp đối với địa phương, tỉnh đã điều chỉnh và lập mới hơn 19 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp đã dần chuyển dịch theo hướng gia tăng giá trị, phát triển bền vững, từng bước gắn với thị trường đầu ra… Trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hòa Bình đã đạt được những bước tiến rõ rệt, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới.
Tỉnh Hòa Bình đã đạt được kết quả bước đầu trong triển khai Chương trình OCOP. Hòa Bình là một trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Trong chương trình thăm và khảo sát một số mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh, trong đó có huyện Cao Phong nổi tiếng với sản phẩm cam, đoàn công tác đã ghi nhận những thành công từ mô hình chuyên canh cây đặc sản này. Huyện đã khuyến khích trồng cam theo quy trình VietGAP, đẩy mạnh sản xuất hướng “xanh-sạch-an toàn”. HTX 3T FARM ra đời với mục tiêu là sản xuất Cam Cao Phong theo tiêu chuẩn “3 Tốt”: Tốt đất, tốt giống, tốt từ tâm, tạo ra thương hiệu của cam Cao Phong trên thị trường.
Phát biểu tại các buổi làm việc với các địa phương, ông Nguyễn Duy Hưng nêu rõ: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước nói chung và các địa phương Tây Bắc nói riêng. Xác định rõ tinh thần đó, trong triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW, các địa phương của Hòa Bình và Sơn La đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng.
Trao đổi với các địa phương, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị, để phát huy những thành tựu đã đạt được, Sơn La, Hoà Bình cần tiếp tục coi trọng việc xây dựng nông thôn mới, tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp cần chú trọng ưu tiên các chính sách về hỗ trợ sản xuất, vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tạo việc làm, bảo hiểm xã hội tự nguyện; nâng cao dân trí, chuyên môn, kỹ thuật canh tác, sản xuất cho nông dân, nhất là lao động trẻ ở nông thôn; tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề cấp thiết đối với nông dân…
Cần tăng cường liên kết, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ và kinh tế trang trại; củng cố và phát triển các loại hình hợp tác xã; khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân.
Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, bên cạnh các kết quả tích cực, các địa phương vẫn còn một số hạn chế cần được quan tâm khắc phục trong thời gian tới, nhất là trong việc triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Cùng với đó là kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về phục vụ sản xuất công nghệ cao, nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm và kết nối thị trường; công nghiệp chế biến, bảo quản; các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn cần được đổi mới mạnh mẽ hơn.
Trong chương trình làm việc, đoàn công tác cũng đã ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hòa Bình và Sơn La, trong đó có một số ý kiến quan trọng như: Cần có cơ chế đặc thù cho nông thôn miền núi, ở những vùng khó khăn, vừa nhằm bảo đảm an ninh quốc phòng, vừa phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm sinh kế của vùng đồng bào dân tộc; có chính sách mạnh mẽ hơn khuyến khích hỗ trợ các hoạt động đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi, hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong thực hiện các dự án phát triển kinh tế nông thôn miền núi tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sản xuất cho nông thôn miền núi…
Các tỉnh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW nghiên cứu trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương xem xét ban hành nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong tình hình mới, phù hợp với mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Kết thúc chương trình công tác tại Tây Bắc, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương về kết quả thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị và tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn rất giá trị của các địa phương để bổ sung vào nội dung Báo cáo Tổng kết và tham mưu xây dựng nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để trình Hội nghị Ban Chấp Trung ương xem xét tới đây.