Cộng đồng ven biển Kenya nỗ lực phục hồi rừng ngập mặn

BVR&MT – Rừng ngập mặn là nền tảng của các hệ sinh thái ven biển, bảo vệ bờ biển khỏi bị xói mòn, cung cấp môi trường sống cho cá và các sinh vật biển khác, đồng thời lưu trữ một lượng lớn các-bon. Những khu rừng ven biển rất quan trọng đối với các cộng đồng địa phương, những người từ lâu sống dựa vào chúng để lấy lương thực, nhiên liệu và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, Kenya đã để mất một nửa diện tích rừng ngập mặn trong 50 năm qua do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm cả việc người dân khai thác quá mức với các lựa chọn sinh kế hạn chế. Gần đây, một loạt các nỗ lực bảo tồn trong và xung quanh thành phố Mombasa ở phía nam đất nước đã nhấn mạnh sự tham gia của các cộng đồng trong việc giảm áp lực lên những khu rừng ven biển.

Mỗi buổi sáng, các thành viên của tổ chức dựa vào cộng đồng Brain Youth Group lại tập trung để chăm sóc vườn ươm rừng ngập mặn, trồng cây con và thu hoạch hạt giống. Chủ yếu là phụ nữ trẻ, họ bắt đầu công việc từ sớm, len qua lớp bùn mềm với nhiệm vụ chính là cấy cây giống ngập mặn từ vườn ươm vào các ô đất đã được chỉ định.

Trong nhóm có Nancy Cheki, một thành viên sáng lập của Brain, người lớn lên ở Mombasa. “Tôi đã từng nhìn thấy những khu rừng dọc theo khu vực Kibarani trên đường đến thị trấn nhưng tôi không nhận thức được tầm quan trọng của chúng, tôi chỉ biết chúng là rừng cây hoặc rừng ven biển. Phải tới khi là một sinh viên đại học, tôi mới hiểu thêm về rừng ngập mặn và giá trị của chúng trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Người dân ven biển nên hướng tới việc bảo tồn và bảo vệ những khu rừng này. Đầu tiên chúng ta phải bắt đầu với cộng đồng vì họ gần rừng ngập mặn nhất”, cô nói.

Trồng rừng ngập mặn. Hình ảnh: Kang-Chun Cheng/Mongabay

Rừng ngập mặn thích nghi với điều kiện của vùng triều từ nước lợ đến nước biển cường độ mạnh. Chúng hoạt động như những bức tường chắn chống xói mòn do bão và tác động của sóng, nơi trú ẩn cho cá và các sinh vật biển khác mà cộng đồng ven biển phụ thuộc vào để kiếm sống và sinh kế.

Rừng ngập mặn là một trong những quần xã sinh vật giàu carbon nhất trên thế giới: các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng than bùn rừng ngập mặn tích tụ hợp chất hấp thụ và lưu trữ carbon. Chúng cô lập lượng carbon gấp 10 lần so với các khu rừng khác nhờ mạng lưới rễ rộng khắp.

Brain Youth Group được thành lập vào năm 2011 bởi Mbaarak Abdallah. Ban đầu, anh có kế hoạch thành lập một trang trại nuôi cá nhưng sau khi tìm hiểu về vai trò của rừng ven biển đối với hệ sinh thái tại một hội thảo, anh chuyển sự chú ý sang việc bảo vệ rừng ngập mặn và tìm hiểu cách chúng có thể cải thiện điều kiện thủy sản ở khu vực Junda của Mombasa.

Abdallah cho biết ban đầu chỉ khoảng 20% ​​diện tích rừng ngập mặn mà nhóm trồng còn sống sót. Nhóm đã chú ý trồng hỗn hợp loài, chọn cấy cây con hoặc gieo hạt trực tiếp vào đất, trồng vào đúng mùa nhưng những thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra ở mực nước biển và các kiểu sóng đã cản trở không nhỏ quá trình phục hồi, khiến cây con dễ bị cuốn trôi hoặc chết vì ngập. Tuy nhiên, hiện nhóm đang đạt được tỷ lệ sống sót cao tới 80 hoặc 90%.

Cũng theo Abdallah, một số ngư dân phản ánh công việc của họ đang gặp khó khăn do cá nhỏ, sản lượng đánh bắt ngày càng kém. Anh đã thuyết phục và mời họ tham gia các cuộc họp cộng đồng Brain tiếp theo.

Đối với nhiều cộng đồng ven biển, rừng ngập mặn từ lâu đã trở thành nguồn cung cấp gỗ, nhiên liệu và thuốc chữa bệnh quan trọng. Ô nhiễm, chuyển dòng và hoạt động đắp đập trên các dòng sông đã làm thay đổi điều kiện trồng trọt ở các cửa sông, góp phần làm suy thoái nhanh chóng các khu rừng ven biển. Nghèo đói và các lựa chọn sinh kế hạn chế ngoài đánh bắt cá cũng khiến người dân chặt phá rừng ngập mặn nhanh chóng hơn: 80% rừng ngập mặn của Tudor Creek bị mất từ ​​năm 1992 đến năm 2009. Nhìn chung, Kenya đã mất khoảng 50% diện tích rừng ngập mặn chỉ trong 50 năm qua. Mặc dù chính quyền Kenya đã cấm sử dụng rừng ngập mặn cho các mục tiêu xây dựng vào năm 1997 nhưng điều này chỉ hạn chế được hoạt động buôn bán gỗ rừng ngập mặn công khai, còn những khu rừng này vẫn hàng ngày phải chịu áp lực từ việc người dân phải vật lộn để kiếm sống, chặt cây để làm than củi.

Rừng ngập mặn gần Làng Junda. Hình ảnh: Kang-Chun Cheng/Mongabay

Nhà sinh vật biển Josphat Nguu cho biết rất dễ đổ lỗi cho người dân địa phương, tuy nhiên, để giải quyết được gốc rễ vấn đề, “chúng tôi tạo ra sự kết nối giữa người dân địa phương và các nguồn lực của họ, sau đó họ sẽ tự lựa chọn các biện pháp can thiệp mà chúng tôi đề xuất”.

Nguu làm việc cho Viện Nghiên cứu Biển và Thủy sản Kenya (KMFRI) với tư cách là điều phối viên dự án bảo tồn rừng ngập mặn Mikoko Pamoja, cách Junda 50 km về phía nam. Dự án hướng tới mục tiêu bảo vệ 117 ha rừng ngập mặn với sự tham gia của 700 hộ, mỗi năm trồng 4.000 cây giống và thúc đẩy phát triển song song với việc thiết lập nguồn thu bền vững từ việc bảo vệ rừng ngập mặn. Ở làng Gazi này, ước tính có khoảng 80% dân số sống dựa vào các hoạt động liên quan đến đánh bắt cá để kiếm sống.

Nguồn tài trợ cho dự án đến từ Đại sứ quán Pháp và Samsung nhưng tiền cho các dự án phục hồi rừng ngập mặn và phát triển cộng đồng đến từ việc bán tín chỉ các-bon tự nguyện, vào khoảng 24.000 đô la/năm. Lợi ích đến với cộng đồng thông qua nhiều dự án khác nhau, bao gồm nuôi ong, khu vườn cây cung cấp gỗ cho xây dựng và lối đi lát ván của làng Gazi, mang lại không gian công cộng thanh bình cho cộng đồng địa phương, đồng thời mang lại nguồ thu từ khách du lịch.

Mikoko Pamoja đo lường mức độ thành công trong việc bảo vệ rừng ngập mặn bằng cách đếm các gốc cây bị đốn hạ trong các lô đất trong khu vực dự án. Nguu cho biết họ đã thấy sự sụt giảm rõ rệt kể từ khi dự án bắt đầu vào năm 2013 và có sự gia tăng đáng khích lệ đối với quần thể động vật, đặc biệt là cua.

Brain Youth Group thì thu lợi từ việc bán cây giống rừng ngập mặn cho các tổ chức bảo tồn khác. “Các khoản tiền mà chúng tôi có thể đảm bảo thường được trao cho các thành viên như một cách để đánh giá cao nỗ lực của họ. Điều này thúc đẩy các thành viên vì họ có thể đáp ứng nhu cầu của họ hoặc thậm chí cải thiện mức sống của họ”, Mary Gona, giám đốc dự án Brain cho biết.

Ý Nhi  (Theo Mongabay)

Tags:
CHIA SẺ