Điều kiện cần thiết để rừng tái sinh tự nhiên

BVR&MT – Ngày nay, các kế hoạch trồng cây được coi là một trong những công cụ tốt nhất để chống lại biến đổi khí hậu, sự tuyệt chủng của các loài cùng các cuộc khủng hoảng môi trường khác. Tuy nhiên, tái sinh tự nhiên tức cho phép rừng tự tái sinh đang ngày càng được công nhận là một chiến lược hiệu quả hơn về chi phí để đáp ứng các mục tiêu phục hồi rừng đầy tham vọng, chẳng hạn như các cam kết được đưa ra trong Thử thách Bonn, một sáng kiến ​​toàn cầu nhằm khôi phục 350 triệu ha đất bị suy thoái và mất rừng vào năm 2030.

Quá trình tái sinh tự nhiên có thể tự diễn ra chỉ đơn giản bằng cách con người hãy lùi lại và để cây cối phát triển. Nhưng tái sinh sẽ hiệu quả hơn nếu được hỗ trợ bằng các biện pháp như dựng hàng rào, loại bỏ cỏ dại và giải quyết các áp lực dẫn đến khai thác gỗ cũng như các xáo trộn khác. Các nghiên cứu gần đây tập trung vào việc xác định các điều kiện cần thiết để tái sinh tự nhiên.

Tháng 5, Ủy ban Lâm nghiệp Vương quốc Anh công bố một chương trình tài trợ được thiết kế để khuyến khích việc tạo ra các khu rừng mới ở Anh như một biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu, tăng cường đa dạng sinh học và giảm lũ lụt. Chương trình sẽ cung cấp 21,7 triệu đô la trong năm đầu tiên để hỗ trợ các chủ đất và nông dân trồng và quản lý cây xanh. Nhưng trồng cây không phải là hoạt động tái tạo rừng duy nhất mà lần đầu tiên, chính phủ Anh cũng sẽ trả tiền cho các chủ đất để cho phép rừng được tái sinh một cách tự nhiên.

Các nhà bảo vệ môi trường của Vương quốc Anh đã hoan nghênh chính sách mới này. Guy Shrubsole, Điều phối viên chính sách và chiến dịch tổ chức Rewilding Britain bày tỏ: “Chúng tôi thực sự vui mừng vì chính phủ Anh cuối cùng đã hỗ trợ tài chính cho việc tái sinh tự nhiên của cây xanh thay vì chỉ trồng cây”.

Rewilding Britain đã kêu gọi tăng gấp đôi diện tích rừng vào năm 2030 và cho rằng tái sinh tự nhiên nên được coi là “cách tiếp cận mặc định” để đạt được mục tiêu đó. Nó có một số lợi thế so với trồng cây. Thứ nhất, tái sinh tự nhiên rẻ hơn vì bạn không phải thu thập hạt giống, trồng cây con, trồng và duy trì chúng. Thứ hai, tái sinh tự nhiên tạo ra một môi trường sống đa dạng sinh học, phong phú hơn nhiều so với chỉ trồng cây.

“Việc trồng cây non luôn dẫn đến việc tất cả các cây đều có cấu trúc tuổi giống nhau, được sắp xếp thẳng hàng và có sự kết hợp hạn chế giữa các loài cây và thực vật. Các kế hoạch trồng cây cũng bỏ qua tầm quan trọng sống còn của cây bụi – một “môi trường sống kế thừa” được tạo ra khi cây non, cành nhánh và các loài thực vật khác được phép tái sinh tự nhiên – điều cực kỳ quan trọng đối với đa dạng sinh học”, Shrubsole cho biết.

Quá trình tái sinh tự nhiên có thể tự diễn ra. Hãy nghĩ đến những khu rừng gỗ cứng ở miền đông Hoa Kỳ gần như bị phá sạch hoàn toàn vào giữa những năm 1800 để lấy gỗ và đất trồng trọt nhưng hiện đã tái sinh đến mức bạn có thể quên đi quá khứ vì nghĩ rằng nhiều diện tích trong số đó là rừng nguyên sinh.

Tổ chức Rewilding kêu gọi tăng gấp đôi diện tích rừng ở Anh vào năm 2030 và cho rằng tái sinh tự nhiên nên được coi là “cách tiếp cận mặc định” để đạt được mục tiêu đó. Hình ảnh: PxHere (Public Domain).

Tuy nhiên, khi hướng tới mục tiêu khôi phục một khu rừng đã bị chặt phá để sử dụng vào mục đích thâm canh, chẳng hạn như làm nông nghiệp hoặc đồng cỏ, việc tái sinh tự nhiên sẽ hiệu quả hơn khi được hỗ trợ. Điều này đòi hỏi nhiều công việc cần làm hơn là chỉ lùi lại và để cây cối tự phát triển, chẳng hạn như dựng hàng rào để ngăn gia súc và các động vật ăn cỏ, loại bỏ một cách chọn lọc những thảm thực vật có thể đe dọa sự tồn tại của những cây non đang thay thế và giải quyết những áp lực có thể dẫn đến những xáo trộn khác. Tất cả các hoạt động này đều đòi hỏi một số chi phí trả trước, vì vậy “hiệu quả về chi phí” ở đây không có nghĩa là “miễn phí”.

Khi nào nên để rừng tự phục hồi?

Karen Holl, chuyên gia về sinh thái phục hồi tại Đại học California, Mỹ cũng đồng ý rằng kế hoạch phục hồi rừng nên xem xét việc tái sinh tự nhiên trước khi tính đến trồng cây. Khi nói về các chiến dịch trồng cây, mọi người thường hay nghĩ đến việc đi trồng cây nhưng chúng ta phải lưu ý là “liệu chúng có tự tái sinh không?” Nếu câu trả lời là “không” cho một sinh cảnh nhất định thì việc chuyển sang trồng cây là rất hợp lý, Holl nói. Bà trích dẫn ba điều kiện có lợi cho sự tái sinh tự nhiên: sự gần gũi của các loài động, thực vật có thể đóng vai trò là nguồn giống và vật phát tán; mức độ thay thế cao trong hệ thống hiện tại; và sử dụng đất với cường độ thấp trong quá khứ.

Sự hiện diện của các nguồn hạt giống gần vị trí tái sinh là yêu cầu cơ bản nhất để tái sinh tự nhiên và đó có lẽ cũng là hạn chế lớn nhất của phương pháp này. Tái sinh tự nhiên sẽ không hoạt động ở mọi nơi; ở những khu vực không có rừng đứng hoặc rừng cây gần đó, trồng cây là cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định chính xác khoảng cách “lân cận” để quyết định ranh giới tái sinh tự nhiên vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Shrubsole từng chỉ trích quỹ tạo rừng mới của Vương quốc Anh khi quỹ này chỉ tài trợ cho việc tái sinh tự nhiên đối với các địa điểm trong phạm vi 75 m từ rừng đứng hoặc nguồn hạt giống khác, trong khi nghiên cứu của Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Vương quốc Anh chỉ ra rằng một số loài cây ở Anh có thể tái sinh cách nguồn hạt giống gần nhất tới 122 m, thậm chí một nghiên cứu khác khẳng định khoảng cách này có thể còn xa hơn.

Tỷ lệ phục hồi có thể có rất nhiều thay đổi khi các hệ sinh thái được để lại để tái sinh tự nhiên và đây có lẽ cũng là một lý do lý giải tại sao trồng cây thường được ưu tiên hơn.

Holl và cộng sự Rakan Zahawi, Giám đốc Quỹ Charles Darwin ở Ecuador đã thực hiện một nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ về tái sinh tự nhiên trên đất nông nghiệp cũ ở Costa Rica. Kết quả cho thấy dự đoán tốt nhất về mức độ phục hồi của bất kỳ sinh cảnh nào là những gì nó diễn ra trong vài năm đầu tiên không bị xáo trộn. Nếu cây con được thiết lập trong thời gian đó, các địa điểm thường phục hồi tốt. Bằng không, không nên làm.

Mọi người trồng cây tại Bonna Point ở New South Wales, Australia, vào năm 2018. Hình ảnh của Jenna Martin / Greenfleet Australia qua Flickr (CC BY-NC-ND 2.0).

“Nếu ai đó hỏi tôi rằng bạn có nghĩ khả năng tái sinh tự nhiên sẽ hiệu quả không? Tôi sẽ nói bạn có cần trồng ngay vào năm tới không? Bạn có thể cho nó hai năm và xem điều gì xảy ra. Nếu mọi thứ tái sinh một cách tự nhiên, nó sẽ diễn ra khá nhanh. Đó cũng là lời khuyên rất thiết thực, không tốn nhiều nguồn lực”, Holl chia sẻ.

Ngoài những vấn đề trên, các đơn vị tiến hành phục hồi rừng cũng cần tính đến các yếu tố xã hội. Ví dụ, một bài báo năm 2014 được xuất bản trên tạp chí Restoration Ecology đã xác định các chi phí trực tiếp và gián tiếp liên quan đến tái sinh tự nhiên. Các dự án để rừng tự phục hồi thường đòi hỏi thời gian lâu hơn, có thể tạo cảm giác rằng chúng đã thất bại. “Trong trường hợp xấu nhất, điều này có thể dẫn đến việc chấm dứt dự án sớm bởi một số chủ đất muốn thấy kết quả nhanh hơn hoặc có thể nhìn thấy được”, Zahawi và Holl cho biết.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết trong một số trường hợp, người dân địa phương coi đất đang được phục hồi thụ động là bị bỏ hoang và điều này có thể dẫn đến những mục đích sử dụng không lường trước được, chẳng hạn như chủ đất có thể vô tình hoặc cố ý cho phép gia súc ăn cỏ ở khu vực tái sinh tự nhiên nên kéo lùi các nỗ lực phục hồi. Ngoài ra, tái sinh tự nhiên có hỗ trợ cũng cần đầu tư nhiều chi phí trực tiếp hơn, chẳng hạn như mua vật liệu để xây dựng và bảo trì hàng rào và lao động cần thiết để trông coi. Những yếu tố xã hội này có thể gây khó khăn nếu không muốn nói là không thể để dành nhiều loại đất trong hai năm để xác định xem nó có phù hợp với tái sinh tự nhiên hay không. Và có một số nơi việc tái sinh tự nhiên có thể khả thi về mặt sinh thái nhưng đơn giản sẽ không có tác dụng về mặt xã hội vì chủ đất muốn trồng những cây mang lại giá trị kinh tế trực tiếp.

Tin vui là theo Renato Crouzeilles, Quản lý cấp cao tại Viện Quốc tế về Bền vững, Brazil, không cần phải đợi hai năm để xem liệu tái sinh tự nhiên có xảy ra hay không mà có thể dự đoán nơi có khả năng tái sinh tự nhiên cao hơn hoặc không thể tái sinh tự nhiên. Crouzeilles dẫn đầu một nghiên cứu năm 2020 khi xem xét tiềm năng tái sinh tự nhiên trên 75,5 triệu ha đất rừng đã bị phá ở Rừng Đại Tây Dương của Brazil. Ông và đồng nghiệp sử dụng dữ liệu viễn thám để xác định vị trí xảy ra quá trình tái sinh tự nhiên tại đây trong suốt 25 năm qua và phân tích những nơi đó để xây dựng mô hình dự đoán những khu vực nào sẽ thích hợp cho tái sinh tự nhiên trong tương lai.

Nhóm phát hiện rằng trong số 34,1 triệu ha độ che phủ rừng hiện tại ở Rừng Đại Tây Dương, khoảng 2,7 triệu ha, tương đương 8% được tái sinh tự nhiên từ năm 1996 đến năm 2015. Dựa trên phân tích của nhóm, Crouzeilles và các đồng tác giả cho biết thêm 2,8 triệu ha có thể được phục hồi thông qua tái sinh tự nhiên và 18,8 triệu ha khác có thể được phục hồi bằng cách tái sinh tự nhiên có hỗ trợ vào năm 2035. Nhóm ước tính tổng chi phí cho tất cả các hoạt động này sẽ tiêu tốn ít hơn 90,6 tỷ đô la so với việc tích cực trồng cây ở những khu vực đó.

Theo một nghiên cứu, 8% rừng Đại Tây Dương ở Brazil tái sinh tự nhiên từ năm 1996 đến năm 2015. Hình ảnh: A. Duarte via Flickr (CC BY-SA 2.0).

Mô hình mà các nhà nghiên cứu xây dựng cho Rừng Đại Tây Dương cho thấy biến số quan trọng nhất là khoảng cách từ vị trí tự tái sinh đến tàn tích rừng: Nhóm phát hiện ra rằng khoảng 90% các khu vực tái sinh tự nhiên nằm trong phạm vi 192 m của các khu vực có rừng khác.

Crouzeilles cho biết ông hy vọng những phát hiện này có thể khuyến khích nhiều nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới ủng hộ cách làm của Ủy ban Lâm nghiệp Vương quốc Anh và đầu tư vào tái sinh tự nhiên.

“Các chính phủ cần công nhận khả năng tái sinh tự nhiên. Họ không nhận ra lợi ích của tái sinh tự nhiên vì cho rằng khả năng chắc chắn thành công không cao và những gì chúng tôi đang cố gắng làm là giảm sự không chắc chắn đó. Đối với khu vực tư nhân cũng vậy. Họ sẽ không đầu tư vào những gì không chắc chắn và rủi ro cao hơn”, ông nhấn mạnh.

Cũng theo Crouzeilles, tái sinh tự nhiên không phải là một liều thuốc chữa bách bệnh cho tất cả các vấn đề môi trường mà con người đang phải đối mặt, điều quan trọng là chúng ta phải tối ưu hóa các lợi ích môi trường và xã hội mà phục hồi rừng có thể mang lại chứ không chỉ là đưa số lượng cây nhiều nhất mà chúng ta có thể đặt vào lòng đất. Những gì bạn cần đo lường là diện tích nhưng cũng là lợi ích mà rừng mang lại: lợi ích xã hội, việc làm, thu nhập, đa dạng sinh học, sự tuyệt chủng, khả năng kết nối, hấp thụ carbon, nước, không khí chứ không chỉ là số lượng cây. Phục hồi là một phương tiện cho nhiều mục đích. Phục hồi không có nghĩa là kết thúc.

Huyền Trang (Theo Mongabay)

Tags:
CHIA SẺ