BVR&MT – Theo giới chuyên gia môi trường, khí thải giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị và khiến khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hàng năm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội nhận định Việt Nam là quốc gia đứng trong top 10 nước ô nhiễm không khí ở châu Á.
Trong tài liệu tổng hợp gửi Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng (RECO) chuẩn bị cho Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 vào tháng 11 tới, bà Thanh cho biết tổng lượng bụi ở 2 thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tăng cao trong những năm gần đây khiến chỉ số chất lượng không khí luôn ở mức báo động. Các vấn đề cấp bách nổi cộm hiện nay là biến đổi khí hậu và giao thông, nhất là ô nhiễm không khí do khí thải giao thông…
Đồng tình với quan điểm này, tiến sỹ Nguyễn Thị Yến Liên, Trường đại học Giao thông vận tải, cũng nhấn mạnh rằng từ năm 2008 đến nay, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh liên tục nằm trong trong nhóm 500 thành phố có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất thế giới, mà một trong những nguyên nhân chính là từ các hoạt động giao thông vận tải.
Theo phó giáo sư tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn-Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị và đóng góp 70% tổng lượng bụi cùng với khí thải vào môi trường không khí…
Đáng chú ý, theo ông Sơn, nguồn ô nhiễm này gây tác động xấu rất nhiều tới sức khoẻ cộng đồng. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nên khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hàng năm; trong đó có 20% số ca tử vong là do các bệnh về đường hô hấp và ung thư liên quan đến phơi nhiễm với bụi mịn. Cùng với với đó là hàng loạt các vấn đề về tiểu đường, tim mạch, phổi, gan, đột quỵ, rối loạn tiết tố… ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động giao thông, theo ông Sơn, trước mắt Việt Nam cần tăng cường giám sát phát thải qua hệ thống đăng kiểm và có cơ chế thu hồi xe máy cũ gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần hướng tới việc phát triển hệ thống tàu điện ngầm, tàu trên cao thành một mạng lưới giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; khuyến khích sử dụng xe điện, trợ giá xe điện, có chế độ hỗ trợ người sử dụng xe điện; đẩy nhanh tiến độ di dời các trường học, cơ quan, đơn vị hành chính ra ngoài thành phố để giãn mật độ dân số trong nội đô.
Góp thêm giải pháp, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh đề xuất Việt Nam cần xây dựng một lộ trình cụ thể cho phát triển xe điện, trong đó xây dựng và ban hành các chính sách ưu tiên phát triển xe điện.
Bà Khanh cũng lưu ý để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện như trạm sạc điện, quỹ đất để bố trí trạm sạc; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc để hướng đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân./.