BVR&MT – Do có lợi thế lớn về khí hậu và đất đai, tỉnh Điện Biên đã tập trung phát triển cây mắc ca phủ xanh nhiều diện tích đất trống, đồi trọc trên địa bàn các huyện trong tỉnh.
Với tốc độ sinh trưởng và cho quả tốt như hiện nay, loài cây này đang hứa hẹn sẽ trở thành loại cây trồng đa mục đích chủ lực của tỉnh trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Tuần Giáo là một trong những huyện tiên phong trong phát triển cây mắc ca và hiện là địa phương có diện tích mắc ca lớn nhất tỉnh Điện Biên. Cây mắc ca được trồng thử nghiệm tại huyện Tuần Giáo từ năm 2013. Đến năm 2015, Công ty cổ phần Macadamia Ðiện Biên chính thức thực hiện dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện. Đến nay, diện tích cây mắc ca của huyện hơn 1.400 ha, được trồng tại xã Quài Nưa và Quài Cang. Cây mắc ca đã phủ xanh nhiều diện tích đất trống, đồi trọc trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Hiện nay, những vườn mắc ca được trồng từ năm 2015 đã bắt đầu cho quả bói.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Macadamia Ðiện Biên, qua đánh giá cho thấy cây mắc ca trồng tại huyện Tuần Giáo rất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai. Các vườn mắc ca đều có tốc độ và khả năng sinh trưởng tốt. Hiện nhiều diện tích cho quả bói ngoài mong đợi, bước đầu cho thấy cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây mắc ca càng về sau sẽ cho quả càng nhiều, đặc biệt là từ năm thứ 10 và có thể cho quả đến năm thứ 80, bởi vậy giá trị kinh tế mà loại cây này mang lại rất lâu dài.
Ngoài huyện Tuần Giáo, hiện nay Công ty cổ phần Macadamia Ðiện Biên đang định hướng triển khai tại dự án trồng cây mắc ca tại các huyện: Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé và Nậm Pồ. Định hướng của công ty sẽ triển khai trồng cây mắc ca trên diện tích rộng ở các địa phương trong tỉnh, phủ kín các diện tích hoang hóa, phủ xanh đất trống bằng cây mắc ca, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân trong tỉnh.
Quả mắc ca được xem như “nữ hoàng quả khô” trên thị trường và triển vọng có thể mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Bởi vậy, chính quyền huyện Tuần Giáo và doanh nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia hợp tác cùng doanh nghiệp để phát triển cây mắc ca thay thế những cây trồng truyền thống hiệu quả thấp. Thực hiện dự án trồng cây mắc ca, UBND huyện Tuần Giáo đã cấp giấy chứng nhận quyền sử đất cho hơn 1.200 hộ tại 2 xã Quài Cang và Quài Nưa với tổng diện tích gần 930 ha.
Sau khi ký hợp đồng góp đất với Công ty cổ phần Macadamia Ðiện Biên, người dân sẽ được chi trả một khoản tiền hỗ trợ trong việc chuyển đổi ngành nghề, địa bàn canh tác khi chưa có thu hoạch sản phẩm quả mắc ca trong 5 năm đầu tiên. Bên cạnh đó, công ty cũng tuyển dụng hàng trăm lao động thường xuyên và thời vụ nhằm giải quyết công ăn việc làm cho bà con. Khi thu hoạch quả, người dân góp đất sẽ được hưởng 15% giá trị 1 kg quả tươi với cam kết số tiền bà con nhận tối thiểu 5,8 triệu đồng/ha/năm được tính từ năm thứ 6 trở đi.
Theo chủ trương của tỉnh Điện Biên, huyện Tuần Giáo được phê duyệt là vùng trồng mắc ca tập trung với quy mô 2.000 ha tại các xã: Quài Cang, Quài Nưa, Quài Tở, Nà Sáy và Chiềng Sinh. Thực hiện dự án, UBND huyện đã tích cực phối hợp với Công ty cổ phần Macadamia Ðiện Biên tuyên truyền để người dân hiểu được hiệu quả của việc góp đất cùng công ty trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ vườn cây mắc ca.
Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, qua quá trình theo dõi, đánh giá cho thấy tình hình sinh trưởng và phát triển của cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo rất tốt. Cây mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai trên địa bàn huyện; với khả năng chịu được sương muối, chịu hạn, ít sâu bệnh, cây mắc ca có thể trồng xen, trồng che bóng cho nhiều loại cây như cà phê, cây công nghiệp ngắn ngày. Đến nay, diện tích mắc ca trồng thử nghiệm ban đầu đã cho thu hoạch quả tốt, năm 2021 đã cho thu hoạch khoảng 300 ha.
Lãnh đạo UBND huyện Tuần Giáo cũng cho biết, trước mắt, UBND huyện đang đề nghị Công ty cổ phần Macadamia Ðiện Biên tiếp tục triển khai trồng đảm bảo diện tích quy hoạch cây mắc ca mà tỉnh đã phê duyệt. Định hướng lâu dài, huyện sẽ tiếp tục đưa những diện tích đất trống, đồi trọc trên địa bàn huyện vào mục tiêu phát triển cây mắc ca nhằm tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó, hiện nay có một số doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát, đề xuất với huyện để phát triển mô hình kết hợp du lịch trải nghiệm và chế biến sâu với quả mắc ca nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với loại cây này.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã trồng gần 3.400 ha cây mắc ca; trong đó, trồng thuần trên 2.880 ha, trồng xen với cây trồng khác gần 540 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Phần lớn diện tích trồng cây mắc ca do các doanh nghiệp đầu tư với diện tích trên 2.600 ha, số còn lại do các địa phương trồng xen kẽ, trồng thử nghiệm và người dân trồng tự phát.
Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 5 dự án trồng cây mắc ca với tổng mức đầu tư 4.730 tỷ đồng, quy mô thực hiện trồng hơn 17.200 ha.
Các dự án trồng mắc ca triển khai hầu hết đều được chính quyền địa phương cũng như người dân đồng tình hưởng ứng, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Cùng với đó, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặt khác, các dự án trồng mắc ca cũng đã góp phần thực hiện chủ trương của Điện Biên về thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, từng bước thay đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây mắc ca trở thành cây trồng có giá trị cao trong sản xuất nông – lâm nghiệp trên địa bàn.