BVR&MT – Thành phố Hồ Chí Minh đang lập kế hoạch phát triển một triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, người có thu nhập thấp. Trước mắt, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, cung cấp thông tin quy hoạch về khu đất rộng 15 ha tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) cho các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng 300 nghìn căn nhà ở xã hội phục vụ công nhân trong vòng một năm.
Những động thái của TP Hồ Chí Minh được xem là đột phá, ít nhất về mặt chủ trương đối với chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp trong nhiều năm qua. Đại dịch Covid-19 càn quét qua thành phố hơn 10 triệu dân, những lỗ hổng về an sinh xã hội cho người thu nhập thấp đã bộc lộ rõ nét. Như cách nói của Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân, những gì hạn chế nhất của thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước đã được phơi bày, đặc biệt là sự quá tải về hạ tầng xã hội, y tế. Dịch Covid-19 lây lan nhanh, khó kiểm soát có một phần nguyên nhân là thiếu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.
Giữ chân người lao động bằng các chính sách an sinh xã hội, trong đó có xây dựng nhà ở, là chủ trương đúng và trúng. Tuy nhiên, không phải bây giờ thành phố mới quyết tâm thực hiện chính sách này. Trong chính sách phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020, thành phố đặt mục tiêu xây dựng 80 nghìn căn nhà ở xã hội (NƠXH), tuy nhiên, khi kết thúc giai đoạn, mới chỉ có 20 dự án được hoàn thành với khoảng 15 nghìn căn nhà, còn rất khiêm tốn so với nhu cầu NƠXH của người dân. Đó là chưa kể, các chính sách điều tiết các phân khúc nhà ở của thành phố vẫn chưa phát huy được hiệu quả, khi thống kê trên thị trường hiện nay số căn hộ bình dân chỉ chiếm 1% trên tổng số sản phẩm nhà ở (căn hộ cao cấp, căn hộ trung cấp và căn hộ bình dân), dẫn tới giấc mơ an cư của những công nhân, người lao động xa xứ, thu nhập thấp cứ ngày càng xa vời.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lệch pha giữa các phân khúc nhà ở, trong đó đáng chú ý có nguyên nhân xuất phát từ chính sự điều hành, quản lý của thành phố. Đó là trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, thành phố chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển NƠXH, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển NƠXH, hoặc có bố trí nhưng lại ở những vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng… Cùng đó là hạn chế về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển NƠXH, dẫn đến nhiều dự án NƠXH không thể triển khai.
Quan trọng hơn, tại rất nhiều cuộc họp, rất nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào phân khúc NƠXH, nhà ở thu nhập thấp bằng hình thức bán hoặc cho thuê đều cho rằng, thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, chồng chéo là rào cản lớn nhất khiến họ nản lòng. Một doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà giá thấp từng chia sẻ về thực trạng “trên thông dưới bí” khi đầu tư các dự án NƠXH: “Một dự án nhà ở thương mại mất từ 4 – 5 năm để hoàn thiện hồ sơ, pháp lý, còn riêng dự án NƠXH thì quy trình này gian nan và khó khăn gấp nhiều lần, thời gian kéo dài tới gần 10 năm. Dự án NƠXH, nhà cho người thu nhập thấp bị khống chế về lợi nhuận, nếu thủ tục kéo quá dài, doanh nghiệp sẽ ngưng triển khai và chuyển đổi công năng dự án”.
Những phân tích trên cho thấy, để dự định xây dựng một triệu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp không chỉ dừng ở những kế hoạch trên giấy, những quyết tâm của lãnh đạo, công việc này cần phải triển khai đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương. Chính sách, mục tiêu và giải pháp phải thật sự bắt nguồn từ thực tiễn đời sống thu nhập, việc làm của người lao động nghèo, thu nhập thấp; đồng thời phải gắn với tạo hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách thông thoáng cho doanh nghiệp, song vẫn đủ chặt chẽ để ngăn ngừa được những “lỗ hổng”, “kẽ hở” làm biến tướng, sai lệch chủ trương tốt đẹp này. Rất nhiều lần các doanh nghiệp khẳng định, họ cần được hỗ trợ về cơ chế, chính sách chứ không phải tiền. Khi có cơ chế tháo được rào cản, ắt hẳn doanh nghiệp sẽ không còn nản lòng khi đầu tư xây dựng NƠXH; đồng thời người mua là người lao động thu nhập thấp thực sự có nhu cầu mới có cơ hội được tiếp cận, lựa chọn được nhiều dự án nhà ở, lúc đó mới giải quyết được phần nào giấc mơ an cư cho người thu nhập thấp.