BVR&MT – Ủy ban châu Âu đang tiến hành tham vấn cộng đồng để đánh giá và sửa đổi Kế hoạch hành động chống buôn lậu động vật hoang dã giai đoạn 2016 – 2020, thời hạn nhận góp ý tới 28/12/2021.
Theo nội dung thông cáo của EC, hoạt động tham vấn nhằm thu thập thông tin, quan điểm của người dân và các tổ chức liên quan về hiệu lực, hiệu quả, tính chặt chẽ, phù hợp và giá trị gia tăng của Kế hoạch hành động trong việc kiềm chế buôn lậu động vật hoang dã, đồng thời chuẩn bị cơ sở cho việc sửa đổi Kế hoạch – một nội dung chính có thể thực hiện được trong Chiến lược Đa dạng sinh học năm 2030 của EU.
Ủy viên Môi trường, Đại dương và Thủy sản Virginijus Sinkevičius cho biết Kế hoạch hành động vì động vật hoang dã của EU trước đây đã giúp tập trung sự chú ý vào một trong những nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học. Như đã đề cập trong Chiến lược Đa dạng sinh học của EU đến năm 2030, bây giờ là lúc để tìm hiểu sâu hơn đóng góp của Kế hoạch này đối với bảo tồn đa dạng sinh học và khả năng cải thiện trong tương lai. EU cam kết duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống buôn lậu động vật hoang dã.
Kế hoạch hành động đã thúc đẩy các nỗ lực của EU nhằm giải quyết nạn buôn lậu động vật hoang dã cả trong EU và ở cấp độ toàn cầu. Năm 2018, Ủy ban đã thông qua báo cáo tiến độ về việc thực hiện Kế hoạch hành động. Tham vấn cộng đồng được triển khai gần đây sẽ giúp đánh giá sâu hơn những tiến bộ đạt được trong cũng như xác định những điểm yếu còn tồn tại, từ đó tạo tiền đề cho việc sửa đổi Kế hoạch.
Buôn lậu động vật hoang dã là một trong những hình thức tội phạm thu lợi lớn nhất và cuộc chiến chống lại nó đang là vấn đề ưu tiên hàng đầu ở EU. Hoạt động bất hợp pháp này không chỉ góp phần làm cạn kiệt hoặc tuyệt chủng toàn bộ các loài mà còn phá hủy các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương cũng như các hình thức phát triển kinh tế khác.
Trong khi nhiều người nghĩ rằng buôn bán trái phép động vật hoang dã chỉ là vấn đề ở châu Phi và châu Á thì châu Âu cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống buôn lậu một số loài như một thị trường đích và liên quan đến hoạt động buôn lậu quá cảnh sang các khu vực khác. Một số loài có nguồn gốc từ các nước thành viên EU (ví dụ như cá chình châu Âu) cũng được xuất khẩu bất hợp pháp sang các khu vực khác trên thế giới.
Năm 2016, Ủy ban Châu Âu đã đề ra chiến lược nhằm tăng cường cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trong phạm vi EU cũng như ở cấp độ toàn cầu, trong đó, Kế hoạch hành động của EU tập trung vào ba nội dung ưu tiên: ngăn chặn buôn lậu động vật hoang dã và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của nó; thực hiện và thực thi các quy tắc hiện hành và đấu tranh chống tội phạm có tổ chức về động vật hoang dã hiệu quả hơn; tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu giữa các quốc gia đóng vai trò là nguồn, nơi tiêu thụ và điểm trung chuyển nhằm chống lại nạn buôn lậu động vật hoang dã.
Thảo Vy