BVR&MT – Mất môi trường sống là nguyên nhân chính khiến các loài chim di cư là một trong số những loài chim bị đe dọa nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Việt Nam và các quốc gia trong khu vực tuy đã có nhiều nỗ lực bảo vệ các vùng đất ngập nước – khu vực lưu trú cho nhiều loài chim di cư, song sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế – xã hội đã khiến các vùng đất ngập nước, nhất là khu vực ven biển ngày càng bị thu hẹp.
Tại Hội thảo “Tầm quan trọng của các bãi triều ven biển Đồng bằng sông Cửu Long đối với các loài chim di cư”, các đại biểu đều cho rằng bên cạnh các giải pháp về thực thi pháp luật, nghiên cứu, các quốc gia cần đầu tư bảo vệ các khu vực trọng yếu thường xuyên xuất hiện chim dư cư cũng như xây dựng kế hoạch hành động cấp thiết. Một trong những khu vực trọng yếu của Việt Nam về bảo tồn chim di cư là ĐBSCL – nơi không chỉ tập trung nhiều loài chim di cư mà còn là khu vực trọng điểm về kinh tế nên rất cần sự cân bằng giữa bảo tồn chim và phát triển kinh tế – xã hội.
Hội thảo do Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học phối hợp Công ty Hoang dã (Wildtour) và Báo Dân việt tổ chức đúng kỉ niệm Ngày Chim di cư quốc tế (9/10) với sự tham gia của hơn 100 đại diện đến từ nhiều tổ chức bao gồm các chuyên gia bảo tồn trong khu vực ĐBSCL và các chuyên gia từ tổ chức Birdlife quốc tế.
Chuyên gia Nguyễn Hoài Bảo, giảng viên bộ môn điểu học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM, Giám đốc điều hành Wild Tour cho biết ĐBSCL là một khu vực trọng yếu của các loài chim di cư quan trọng. Trong quá trình nghiên cứu, ông và đồng nghiệp phát hiện tại đây có nhiều loài chim di cư nằm trong Sách đỏ IUCN, trong đó có loài thuộc nhóm nguy cấp. Bên cạnh các mối nguy như săn bắt, bẫy (nhất là vào mùa chim di cư khoảng tháng 9, 10), việc thực hiện các dự án phát triển như điện gió, nhiệt điện ven biển cũng khiến môi trường sống các loài chim di cư bị mất đi hoặc suy giảm, nhiều cá thể chim chết vì bị va đập vào cánh quạt gió… Do đó, ông đề nghị các cơ quan chức năng, đơn vị nghiên cứu và các bên liên quan cần tích cực phối hợp để bảo vệ các khu vực lưu trú cho các loài chim di cư.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đánh giá cao kết quả nghiên cứu và biện pháp đề xuất bảo vệ các loài chim di cư của wildtour, trong đó bà đề nghị những kết quả này cần được chia sẻ với chính quyền địa phương – nơi sẽ thực hiện chính nhiệm vụ bảo vệ chim di cư. Bên cạnh đó, bà đề nghị các tổ chức quốc tế bao gồm Birdlife international cần thúc đẩy cơ chế hợp tác liên biên giới để tăng cường bảo vệ các khu vực đất ngập nước, sinh cảnh sống của các loài chim di cư. Dự thảo chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học sẽ coi đây là nội dung ưu tiên và thực hiện trong thời gian tới dựa trên sự tham gia và góp sức của tất cả các bên.
Cuối cùng, bà đánh giá cao đóng góp của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và các đồng nghiệp trong việc điều tra các điểm nóng chuyên buôn bán các loài chim hoang dã tại 10 tỉnh, thành, kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý một số vụ vi phạm nghiêm trọng. Chừng nào còn tồn tại các nhà hàng, quán ăn cung cấp chim, thú thì khi đó nạn buôn lậu, giết thịt chim và động vật hoang dã không thể xử lý triệt để.
PV