BVR&MT – Sắp tới, đoàn của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) sẽ tới quần đảo Cát Bà để đánh giá hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới cùng với vịnh Hạ Long.
Theo thông tin từ UBND Tp.Hải Phòng, tháng 6/2021, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã có công văn gửi tới Thành phố về việc chuẩn bị đón đoàn đánh giá hồ sơ vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà để ghi danh vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới. Trên cơ sở đó, Tp.Hải Phòng đã lên kế hoạch cho sự kiện này.
Đoàn đánh giá của IUCN sẽ làm việc Việt Nam dự kiến từ ngày 19/10 – 25/10/2021. Trong thời gian này, IUCN sẽ làm việc với lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Cục Di sản văn hóa. Đồng thời, sẽ làm việc với lãnh đạo 2 địa phương là Hải Phòng và Quảng Ninh, 2 tỉnh thành có quần thể vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà trong diện đề cử.
Tháng 1/2021, phía Việt Nam đã gửi hồ sơ đề cử vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà tới UNESCO là di sản thiên nhiên thế giới.
Riêng với vịnh Hạ Long, địa danh này đã 2 lần được vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới vào các năm 1994 và 2000.
Đối với quần đảo Cát Bà, đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Phạm Trí Tuyến, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin, Thể thao vầ Du lịch huyện Cát Hải cho biết: “Dựa trên các tiêu chí đánh giá, IUCN nhận thấy vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà có những nét tương đồng về vị trí địa lý, giá trị khảo sát về địa chất, đồng dạng về đa dạng sinh học nên xét chung là một quần thể không thể tách rời. Vì vậy, lần đánh giá đề cử di sản thiên nhiên thế giới lần này là đánh giá tổng thể cả 2 địa danh”.
Trong khoảng 1 tuần làm việc tại huyện Cát Hải, đoàn của IUCN sẽ làm việc với UBND huyện Cát Hải về thực trạng, điều kiện kinh tế, xã hội của huyện đảo, các nội dung liên quan đến hồ sơ đề cử. Tiếp đó, IUCN sẽ đi thực địa trên vịnh Cát Bà, vườn Quốc gia Cát Bà, các khu rừng ngập mặn để tiếp cận các khía cạnh của khu vực đề cử và tiêu chí về cảnh quan, địa mạo, địa chất và đa dạng sinh học.
Đồng thời, IUCN sẽ làm việc với cán bộ vườn Quốc gia Cát Bà, gặp chính quyền, nhân dân thuộc vùng lõi, vùng đệm của khu vực đề cử di sản để đánh giá hệ thống quản lý và hiệu quả quản lý, đánh giá các mối đe dọa thực tế và tiền tàng tác động tới di sản.
IUCN cũng sẽ làm việc với tỉnh Quảng Ninh, BQL vịnh Hạ Long, đi thực địa trên vịnh Hạ Long để đánh giá thực trạng, hiệu quả quản lý vùng di sản.
Trong lịch trình của IUCN, đoàn sẽ làm việc với Bộ VHTT&DL, Cục Di sản văn hóa để trao đổi các vấn đề liên quan đến di sản mà phía Việt Nam đang quan tâm.
Ông Phạm Trí Tuyến cho hay, lần đánh giá đề cử này gần như là công đoạn cuối cùng trước khi quần đảo Cát Bà được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới gắn liền với vịnh Hạ Long.
Quần đảo Cát Bà nếu được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới sẽ góp phần làm nâng cao giá trị về thiên nhiên, địa chất vùng Cát Bà – vịnh Hạ Long, phát huy các giá trị hiện hữu cần được bảo tồn, thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch của 2 địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh.
Quần đảo Cát Bà cách Tp.Hải Phòng 45km, nơi đây có những giá trị nổi bật toàn cầu về hệ sinh thái nhiệt đới, cận nhiệt đới điển hình vượt trội so với các khu vực khác ở châu Á như hệ sinh thái đá vôi, rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, hệ thống các hang động, hồ nước mặn, vùng triều…
Nơi đây cũng có hệ thống động thực vật vô cùng phong phú, là nơi lưu giữ những nguồn gen quý hiếm như voọc Cát Bà, sơn dương, cọ Hạ Long. Với nhưng giá trị hiện hữu, quần đảo Cát Bà đã được công nhận là vườn Quốc gia từ năm 1986; khu dự trữ sinh quyển thế giới (2004); rừng mưa nguyên sinh trên đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam (2011); rạn san hô phát triển nhất ven biển Bắc Bộ (2011); nhiều hồ nước mặn nhất thế giới (2011); quẩn đảo có nhiều đảo nhất Việt Nam (2012); đảo đá vôi lớn nhất Đông Nam Á (2013); di tích quốc gia đặc biệt (2013); vịnh Lan Hạ là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới (2020) |