BVR&MT – Theo quan sát của tổ chức Crime Stoppers Victoria, Úc, trong đại dịch, các nhóm tội phạm sử dụng các nền tảng mạng xã hội khác nhau để buôn bán trái phép động vật hoang dã và các báo cáo về vi phạm liên quan đến động vật hoang dã cũng gia tăng hơn khi có nhiều người ở nhà, trực tuyến và theo dõi các nhóm tội phạm này.
Stella Smith, giám đốc điều hành Crime Stoppers Victoria cho biết bọn tội phạm thường nhắm mục tiêu vào các loài bò sát và vẹt bản địa vì những con vật này có giá trị lớn trên thị trường quốc tế khi bị buôn bán làm thú cưng độc lạ, trong đó thằn lằn bị buôn bán phổ biến nhất.
Cũng theo bà Smith, nhiều động vật bị bắt bán nhưng đã chết trong quá trình vận chuyển vì bị nhồi nhét trong hộp hoặc hành lý trong thời gian dài, thậm chí được gắn trên người những kẻ buôn lậu.
Điều đáng nói là một số loài động vật mục tiêu của những kẻ buôn lậu đã và đang có nguy cơ tuyệt chủng, theo Kate Gavens, giám đốc cơ quan bảo tồn tại Victoria, Úc.
“Một trong những loài động vật mà chúng tôi quan tâm là loài vẹt red-tailed black cockatoos, hiện chúng chỉ còn khoảng 1.000 cá thể trong tự nhiên. Bọn tội phạm sẽ nhắm đến các địa điểm làm tổ của chúng để bán trứng ra thị trường quốc tế”, Kate Gavens cảnh báo.
Debbie Saunders, nhà sinh thái học bảo tồn tại Đại học Quốc gia Úc cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng mất môi trường sống kéo dài của các loài và nạn buôn lậu động vật hoang dã có thể gây ra hậu quả tàn khốc cho một số loài quý hiếm.
Bà Saunders khẳng định tác động của nạn buôn lậu động vật hoang dã sang thị trường chợ đen ở nước ngoài còn nghiêm trọng hơn ở các nước như Việt Nam, đặc biệt là đối với các loài động vật như tê tê.
Trước sự nở rộ của tội phạm động vật hoang dã, nhận thức của cộng đồng về tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã và các mối đe dọa về an toàn sinh học cũng tăng hơn, nhất là dưới tác động của đại dịch. Điều này được minh chứng bằng việc số lượng báo cáo, phản ánh sự phẫn nộ của cộng đồng ngày càng tăng đối với các nhóm tội phạm này.
Bà Saunders khuyến cáo chính phủ Úc cần tăng cường các nguồn lực để giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, không nên chỉ dừng ở thu thập chứng cứ mà còn phải tiến hành truy tố.
“Hiện tại, nếu có báo cáo về hoạt động bất hợp pháp đang diễn ra thì có rất ít nguồn lực để giải quyết”, bà nói.
Cũng theo bà, mặc dù Úc đã có những hình phạt đáng kể đối với việc bắt hoặc buôn bán trái phép động vật hoang dã bản địa Úc, đơn cử các đối tượng vi phạm có thể bị phạt hàng chục nghìn đô la vì sở hữu động vật nhập khẩu trái phép hoặc cá thể con của chúng; việc mua, bán, tàng trữ hoặc nhân nuôi bất hợp pháp động vật hoang dã ở Victoria cũng có thể bị phạt hai năm tù và một khoản tiền phạt đáng kể, tuy nhiên, vấn nạn này vẫn còn nhức nhối.
Người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường cho biết Bộ đang làm mọi cách để phát hiện nạn buôn lậu động vật hoang dã. Các cuộc điều tra tội phạm gần đây đã phát hiện ra những mối liên hệ đáng kể giữa các mạng lưới buôn bán động vật hoang dã ở Úc và nước ngoài.
Bà Smith khuyến khích bất kỳ ai nghi ngờ hoạt động bất hợp pháp với động vật hoang dã có thể liên hệ với lực lượng phòng chống tội phạm, mọi thông tin đều được giữ bí mật.
Nhằm giúp ngăn chặn động vật bản địa và ngoại lai bị buôn bán trong và ngoài nước Úc, bang Victoria cũng đã khởi động chiến dịch Break the Chain vào tuần trước.
Ý Nhi (Theo abc.net.au)