BVR&MT – Chính phủ Anh vừa thông báo tài trợ 7,2 triệu bảng, tương đương 9,8 triệu USD cho các dự án bảo tồn nhằm bảo vệ các loài hổ, đười ươi và tê tê.
Khoản tài trợ sẽ được trao cho 17 dự án trên khắp thế giới trong khuôn khổ vòng 7 của Quỹ Thách thức buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Trong số này, có 8 dự án ở châu Á, 6 ở châu Phi và 3 ở Nam Mỹ với các mục tiêu chống buôn lậu tê tê ở Philippines, bảo vệ hổ ở Nepal, giải quyết các mạng lưới tội phạm liên quan đến buôn bán trái phép gỗ trắc, gấu và vẹt đuôi dài ở Bolivia và Peru. Trong đó, dự án chống buôn lậu tê tê ở Philippines sẽ bảo vệ hai quần thể tê tê cực kỳ nguy cấp bằng cách hỗ trợ cộng đồng địa phương quản lý tài nguyên thiên nhiên, gắn kết nhiệm vụ bảo tồn tê tê với các lợi ích xã hội và giảm thiểu nạn săn trộm thông qua tăng cường thực thi pháp luật; dự án bảo vệ hổ ở Nepal và dự án bảo vệ đười dươi ở Indonesia sẽ tập trung nâng cao năng lực thực thi pháp luật và phối hợp với cộng đồng địa phương bảo vệ động vật hoang dã. Riêng dự án ở Bolivia và Peru dự kiến phá vỡ mạng lưới buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp bằng cách đưa cuộc điều tra tài chính và thu hồi tài sản vào hoạt động thực thi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Buôn bán trái phép động vật hoang dã hiện được ước tính có trị giá lên tới 17 tỷ bảng Anh, tương đương hơn 23 tỷ USD trên toàn cầu mỗi năm, là tội phạm có tổ chức nghiêm trọng đe dọa các loài có nguy cơ tuyệt chủng, gây ra tham nhũng, tước đi sinh kế bền vững của một số cộng đồng nghèo nhất thế giới và làm suy giảm khả năng lưu trữ carbon của hệ sinh thái. Bên cạnh đó, nạn buôn bán gỗ lậu cũng làm suy yếu việc quản lý hiệu quả tài nguyên rừng và góp phần vào nạn phá rừng. Nhu cầu đối với gỗ cứng nhiệt đới đã tăng lên đáng kể trong hai thập kỷ qu với việc gỗ trắc châu Phi bất hợp pháp được đưa vào một số chuỗi cung ứng hợp pháp, chẳng hạn như thương mại đồ gỗ nội thất quốc tế.
“Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đã phá hủy động vật hoang dã, đe dọa các loài và thúc đẩy tham nhũng. Các loài biểu tượng bao gồm hổ, đười ươi và voi đều đang tiến gần đến nguy cơ tuyệt chủng và chúng ta phải làm mọi cách để đảo ngược sự suy giảm này. Năm nay, chính phủ cam kết chi nhiều tiền hơn cho Quỹ Thách thức buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp để chống lại nạn buôn bán khủng khiếp và những dự án quan trọng sẽ giúp đảm bảo những loài quý hiếm được bảo vệ cho các thế hệ mai sau”, Bộ trưởng Môi trường Quốc tế Lord Goldsmith nhấn mạnh.
Thông báo tài trợ vòng 7 cũng đánh dấu việc khởi động vòng 8 của Quỹ Thách thức buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đối với các dự án giải quyết nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã ở châu Phi cận Sahara, Đông và Đông Nam Á và Mỹ Latinh. Các dự án nhằm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm buôn bán trái phép động vật hoang dã được khuyến khích áp dụng, tuy nhiên, tất cả các dự án nhằm chống buôn bán trái phép động vật hoang dã sẽ đủ điều kiện.
Vương quốc Anh đang đầu tư hơn 46 triệu bảng Anh từ năm 2014 đến năm 2022 để chống buôn bán bất hợp pháp bằng cách giảm nhu cầu đối với các sản phẩm động vật hoang dã trái phép, tăng cường thực thi, đảm bảo khung pháp lý hiệu quả và phát triển sinh kế bền vững. Đợt tăng tài trợ mới nhất này được xây dựng dựa trên các dự án Quỹ Thách thức thành công trước đó, cho đến nay đã cam kết tài trợ hơn 34 triệu bảng Anh cho 109 dự án tại hơn 50 quốc gia kể từ khi Quỹ được thành lập vào năm 2014.
Quỹ thách thức buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là một chương trình tài trợ của chính phủ Vương quốc Anh nhằm cung cấp hỗ trợ cho các dự án trên khắp thế giới đang giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. |
Thảo Linh (Theo gov.uk)