BVR&MT – Nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thanh Ba đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020. Với các nhiệm vụ, giải pháp được các cấp ủy, chính quyền huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, sau 5 năm triển khai, Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Huyện ủy, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo sản xuất, xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên theo lĩnh vực chuyên môn và địa bàn phụ trách. Căn cứ chỉ đạo của huyện và tình hình thực tế, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở phổ biến sâu rộng gắn với các kế hoạch, chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã xác định, nhóm giải pháp về đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với công tác dồn đổi ruộng đất, quản lý đất đai là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết. Do đó, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch sử dụng đất nông lâm nghiệp, thủy sản, thực hiện có hiệu quả công tác dồn đổi ruộng đất, quy hoạch lại đồng ruộng, giảm được số thửa/hộ, tăng diện tích trong thửa, khắc phục tình trạng manh mún, phân tán về ruộng đất đem lại nhiều thuận lợi trong sản xuất và thu hoạch nông sản. Công tác quản lý đất đai được tăng cường, cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn được chú trọng đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, huyện khuyến khích các hộ dân tự dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai để tạo ra các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn… Đây là bước tạo tiền đề thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Phát huy hiệu quả của việc dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai, huyện đã chỉ đạo sản xuất lúa chất lượng cao trên cánh đồng mẫu lớn với giống lúa J02, diện tích cấy trên những cánh đồng sau dồn đổi đạt trên 800ha; mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Đỗ Xuyên, Thanh Hà quy mô thực hiện 2ha, mô hình cây gai xanh xã Hoàng Cương, mô hình hoa xã Đại An, mô hình chăn nuôi gà xã Đỗ Sơn…
Trong quá trình triển khai thực hiện, huyện đẩy mạnh đổi mới phương thức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống khuyến nông từ huyện đến cơ sở. Hiện trên địa bàn huyện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao như sản xuất rau, hoa trong nhà lưới; tưới tiết kiệm, tưới cây vùng đồi cho chè, cây ăn quả có múi; sử dụng dây chuyền tự động, bán tự động trong các trang trại chăn nuôi… Diện tích quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng cũng được triển khai tích cực. Giai đoạn 2016-2020, huyện đã triển khai ứng dụng IPM trong sản xuất lúa được 30 mô hình với diện tích gần 100ha, diện tích áp dụng IPM từng phần trên cây lúa gần 14.000ha, diện tích áp dụng toàn phần 804ha; cây chè triển khai được ba mô hình với diện tích 7,3ha; cây bưởi triển khai được ba mô hình với diện tích 25ha. Việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc cho cây bưởi làm tăng tỉ lệ đậu quả và cải thiện chất lượng…; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh cho chè; đẩy mạnh thực hiện các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý chất thải bằng hầm biogas, chất đệm lót sinh học đệm lót chuồng trại góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
Cùng với nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, huyện tăng cường liên kết, xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Theo đó, huyện duy trì, phát triển các làng nghề, nhanh chóng thực hiện chuyển đổi HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật; khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với cây chè tại xã Đông Lĩnh, Vân Lĩnh; chăn nuôi lợn tại Chí Tiên, Yên Nội; chăn nuôi gà Đỗ Sơn; sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô cánh đồng mẫu lớn tại xã Lương Lỗ, Đông Thành, Đỗ Xuyên, Đỗ Sơn; nuôi trồng thủy sản tại Sơn Cương, Yển Khê…
Triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Trung ương, của tỉnh, huyện, đồng thời lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác, các phòng, đơn vị chuyên môn đã tích cực hướng dẫn, theo dõi, đánh giá cơ chế hỗ trợ hàng năm; tăng cường kiểm tra, thẩm định kết quả nhằm cấp kinh phí hỗ trợ kịp thời cho các mô hình. Các chính sách tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ khâu khó, khâu mới trong quá trình thực hiện, các mô hình đưa giống mới, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ các hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng, các hoạt động xúc tiến thương mại… đối với các sản phẩm chủ lực để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và phát triển bền vững.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân, việc thực hiện Nghị quyết về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, gắn với các chương trình nông nghiệp trọng điểm trên địa bàn huyện Thanh Ba đạt được những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện bình quân đạt 4,2%/năm; giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản đạt 97 triệu đồng/ha; các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt bình quân 150-250 triệu đồng/ha; an ninh lương thực được bảo đảm; góp phần quan trọng để hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.