BVR&MT – Bang Assam của Ấn Độ – quê hương cuối cùng của loài tê giác một sừng lớn hơn đã thiêu hủy 2.500 sừng tê giác vào đúng Ngày Tê giác Thế giới (22/9) tại sân vận động gần Vườn quốc gia Kaziranga – nơi sinh sống duy nhất của loài tê giác một sừng – với sự tham dự của hơn 10.000 người.
“Chúng tôi muốn nói với thế giới rằng sừng tê giác chỉ là một khối tóc được nén chặt và không có giá trị y học đối với chúng. Chúng tôi muốn kêu gọi mọi người không giết những loài động vật quý hiếm này hoặc mua sừng của chúng dựa trên những điều mê tín hoặc huyễn hoặc”, Thủ hiến Assam Himanta Biswa Sarma nói trước khi phóng hỏa đốt lò.
Sừng được tích trữ trong nhiều thập kỷ trong kho dự trữ nhà nước bao gồm nội tạng động vật bị tịch thu từ những kẻ săn trộm và sừng thu được từ những cá thể tê giác chết vì nguyên nhân tự nhiên.
Các nhà chức trách đã yêu cầu xác minh toàn bộ kho dự trữ, đánh dấu sừng bằng số nhận dạng và thu thập mẫu ADN.
Mỗi chiếc sừng đều được làm sạch, cân và chụp ảnh, trong số đó 2.479 chiếc được phê duyệt để đốt, 94 chiếc còn lại được bảo quản để phục vụ các thủ tục pháp lý chống lại những kẻ tình nghi săn trộm, buôn lậu và các mục đích khác.
Sừng tê giác theo truyền thống được sử dụng trong các loại thuốc Trung Quốc và ngày càng được coi là món đồ thể hiện địa vị xã hội ở Việt Nam.
Việc săn trộm tê giác một sừng gần như đã dẫn đến sự tuyệt chủng của loài vào đầu những năm 1970. Đến năm 1975, chúng đã được công bố là loài có nguy cơ tuyệt chủng sau khi số lượng giảm xuống còn vài trăm cá thể.
Theo số liệu của chính phủ Ấn Độ, khoảng 550 cá thể tê giác đã bị giết bởi những kẻ săn trộm từ năm 1980 đến 1997, trước khi chính quyền khởi động chương trình trấn áp và bảo tồn. Quần thể tê giác hiện còn khoảng 3.700 cá thể. Chúng đã được xếp hạng từ “nguy cấp” thành “dễ bị tổn thương” trong Sách Đỏ IUCN năm 2008.
Mặc dù các vụ săn trộm đã giảm từ 12 vụ vào năm 2016 xuống còn 01 vụ vào năm 2021, song các chuyên gia cho biết mối đe dọa vẫn còn rất lớn.
“Sự kiện này đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến thế giới rằng chúng ta không đánh giá cao sừng tê giác mà chúng ta quan tâm đến những cá thể tê giác đang còn sống trên trái đất này”, Rathin Barman, Giám đốc Wildlife Trust Ấn Độ cho biết.
Ý Nhi (Theo thenationalnews.com)