BVR&MT – Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập… những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Với việc thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ… đời sống của người dân tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang đã có nhiều thay đổi. Người dân đã quen với cuộc sống ở nơi ở mới, tập trung phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng quê hương.
Ổn định, nâng cao đời sống người dân
Để hiểu rõ hơn về cuộc sống của người dân tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang, chúng tôi tìm về xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, nơi có đông đồng bào tái định cư sinh sống.
Ông Tạ Ngọc Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Ao Họ, xã Minh Hương, cho biết: Thôn Ao Họ hiện có 20 hộ dân thuộc diện di dân tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang sinh sống. Thời gian qua, thôn luôn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến toàn thể nhân dân trong thôn, từ đó vận động người dân tranh thủ các chính sách hỗ trợ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi… để nâng cao thu nhập. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế của các hộ dân, đời sống của người dân trong thôn nói chung, người dân tái định cư nói riêng đang từng bước được nâng cao. Thôn có tổng số 105 hộ dân, nay còn 11 hộ nghèo, giảm 3 hộ so với năm 2019.
Là hộ dân tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang đang sinh sống ở thôn Ao Họ, xã Minh Hương, anh Ma Văn Chức, dân tộc Tày, chia sẻ: Được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để phát triển sản xuất nên đầu năm 2020, gia đình tôi vay 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua con giống chăn nuôi. Sau khi xây dựng xong chuồng trại, gia đình tôi đầu tư nuôi 50 con lợn thịt và 2 con bò theo hình thức nuôi vỗ béo. Cùng năm đó, từ việc xuất bán lợn và bò, gia đình tôi thu về 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 50 triệu đồng. Nhờ có nguồn thu này, gia đình tôi có thêm vốn để phát triển chăn nuôi, trả bớt tiền gốc, lãi vay ngân hàng, cuộc sống gia đình ổn định hơn trước rất nhiều…
Bà Nguyễn Thị Đua, thôn Ao Họ, xã Minh Hương, cho biết: “So với cuộc sống ở nơi ở cũ, hiện nay cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi rất nhiều. Về đây, đường giao thông được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, việc đi học của các cháu học sinh; đường điện lưới quốc gia được kéo đến từng hộ gia đình. Ngoài ra, các hộ dân chúng tôi còn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng hầm biogas hoặc nhà vệ sinh tự hoại, hỗ trợ đào tạo nghề… Nhờ đó, chúng tôi có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình.”
Được đào tạo, hướng dẫn cách chăn nuôi qua lớp tập huấn do huyện và xã phối hợp tổ chức, bà Đua có thêm kiến thức về chăn nuôi. Năm 2012, gia đình bà mạnh dạn đầu tư nuôi 10 con lợn, sau đó tiếp tục mở rộng chăn nuôi, hiện đã tăng lên 26 con lợn. Vài năm trở lại đây, nhờ nguồn thu từ chăn nuôi, trồng trọt… mỗi năm gia đình bà Đua thu về gần 100 triệu đồng. Nhờ đó, năm 2018, gia đình bà đã có đủ tiền xây dựng nhà mới khang trang hơn và mua sắm các trang thiết bị như ti vi, tủ lạnh, xe máy… phục vụ sinh hoạt gia đình.
Ông Hoàng Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hương cho biết: Năm 2006, xã tiếp nhận 185 hộ dân thuộc Dự án di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang về sinh sống. Những năm qua, nhằm giúp người dân tái định cư trên địa bàn ổn định cuộc sống, xã đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, của huyện tiến hành giao đầy đủ đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân; triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo nghề; phổ biến các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất… đến người dân tái định cư. Xã có 9/20 thôn có người dân tái định cư sinh sống. Hiện nay, các công trình: Nhà văn hóa, điện, đường ở các điểm tái định cư trên địa bàn xã đã được hoàn thiện, đời sống của người dân tái định cư được nâng lên.
Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ
Để thực hiện Dự án thủy điện Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang có hơn 4.000 hộ dân phải di chuyển đến nơi ở mới. Trong đó, trên 100 hộ dân tự di chuyển theo nguyện vọng (chỉ nhận tiền hỗ trợ, đền bù, không cần bố trí đất ở tại các khu tái định cư mới).
Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Ban Di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang cho biết: Để thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho người dân tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang, thời gian qua, Ban Di dân, tái định cư đã tổ chức thực hiện theo quy hoạch, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu tái định cư: Công trình điện, đường, trường lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn…; giao đất ở, đất sản xuất cho hộ tái định cư; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho số hộ thuộc diện điều chỉnh, bổ sung so với Quyết định số 08/2007/QĐ-TTg, ngày 12/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề; hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống…
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 2.300 hạng mục công trình; giao đất ở cho 3.915/3.915 hộ dân tái định cư; giao đất sản xuất cho trên 3.000 hộ dân đảm bảo đủ theo mục tiêu của Dự án; hỗ trợ đào tạo nghề cho 845 lao động; hoàn thành chương trình hỗ trợ khuyến nông; hoàn thành việc hỗ trợ kinh phí xây hầm biogas hoặc nhà vệ sinh tự hoại cho tất cả các hộ tái định cư và hộ dân sở tại trong vùng bị ảnh hưởng bởi Dự án… Với nhiều chính sách hỗ trợ, cơ sở hạ tầng được xây dựng tương đối đồng bộ, đời sống của người dân tái cư Dự án thủy điện Tuyên Quang đã được nâng lên, tốt hơn so với nơi ở cũ. Hiện nay, người dân đã quen với cuộc sống ở nơi ở mới, nỗ lực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương…
Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Ban Di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang cũng cho biết thêm, thời gian tới, Ban Di dân sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố và các ngành liên quan tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến công tác di dân, tái định cư ngay từ cơ sở; rà soát kỹ những hạng mục công trình cần thiết đầu tư theo kiến nghị của nhân dân trong vùng Dự án để tổ chức thực hiện; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác di dân, tái định cư để người dân hiểu và thực hiện.
Cùng với đó, Ban Di dân sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, các huyện, thành phố đẩy mạnh việc rà soát nhu cầu học nghề, khảo sát nhu cầu việc làm để mở lớp đào tạo nghề, hoặc chuyển đổi nghề gắn với giải quyết việc làm ngay sau đào tạo; tạo điều kiện, hỗ trợ người dân có nhu cầu, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống…