BVR&MT – Biến đổi “rừng khô hạn Phan Rang” thành khu dự trữ sinh quyển thế giới là nỗ lực lớn của Việt Nam, trong đó có chính quyền và người dân địa phương.
Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) cùng với cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) của Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới. Vườn Quốc gia Núi Chúa (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), từng được biết đến với tên “rừng khô hạn Phan Rang”, trở thành khu DTSQ thế giới là sự đền bù xứng đáng với những nỗ lực không ngừng của chính quyền và người dân trong vùng để bảo vệ, phát huy, bảo tồn đa dạng sinh học.
Đặc trưng hệ sinh thái khô hạn ở Đông Nam Á
Khu DTSQ thế giới Núi Chúa là một vùng rộng lớn bao gồm phần biển với tổng diện tích hơn 106.646 ha, vùng lõi là Vườn Quốc gia Núi Chúa với hơn 15.752 ha, vùng đệm chiếm hơn 48.762 ha và vùng chuyển tiếp gần 42.132 ha. Đây là khu DTSQ thế giới duy nhất ở Việt Nam đại diện cho hệ sinh thái rừng khô hạn nhiệt đới với 54 loài thực vật quý hiếm trên tổng số 1.514 loài, 46 loài động vật quý hiếm trên tổng số 345 loài, trong đó nhiều loài quý có tầm quan trọng quốc tế như voọc chà vá chân đen, cheo lưng bạc…
Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) xác nhận các hệ sinh thái rừng ở khu vực núi Chúa có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn (Greater Annamites – khu vực SA4), một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu; được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả kiểu sinh cảnh chính trên trái đất.
Ngoài hệ động thực vật trên cạn phong phú, Khu DTSQ thế giới Núi Chúa ghi nhận 350 loài san hô; trong đó có 307 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 59 giống, 15 họ; đặc biệt có 46 loài san hô được ghi nhận là phân loài mới tại Việt Nam. Vườn Quốc gia Núi Chúa còn là nơi có quần thể rùa biển đến sinh sản đông đúc, gồm 3 loài: đồi mồi (Eret – mochelys imbricata), rùa xanh (Chelonia mydas), đồi mồi dứa (Lepidochelys Olivacea).
Những công trình nghiên cứu nơi này khẳng định các đại diện điển hình của những hệ sinh thái biển đặc trưng (hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái thảm cỏ biển, hệ sinh thái vùng triều) đều tồn tại trong vùng biển Khu DTSQ thế giới Núi Chúa.
Nếu vùng nước nông ven bờ được bao phủ bởi những rạn san hô rộng lớn với các kiểu hình thái và cấu trúc tương đối phức tạp, đa dạng về thành phần giống loài sinh vật thì vùng bên ngoài, ở độ sâu khoảng 50 m nước về phía Nam, hình thành các bãi cá tập trung có trữ lượng tương đối lớn. Hệ sinh thái vùng triều của Khu DTSQ thế giới Núi Chúa còn có hệ sinh vật và giá trị đa dạng sinh học tiêu biểu riêng. Vùng biển được bảo tồn tại đây có vai trò quan trọng trong việc kết nối các khu bảo tồn biển có tính đa dạng sinh học cao như đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang, đầm Thủy Triều ở phía Bắc với hòn Cau – Vĩnh Hảo ở phía Nam; do đó càng có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững ở cấp độ vùng.
Vinh dự và trách nhiệm
Ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa, cho biết rất vinh dự khi núi Chúa trở thành 1 trong 11 khu DTSQ thế giới của Việt Nam. Theo ông, sau khi công nhận khu DTSQ thế giới, khoảng 3 – 4 tháng sau, UNESCO sẽ có quyết định gửi đến nước sở tại để triển khai các bước. Ông Tiếp cũng cho biết đã liên hệ với UNESCO Việt Nam và dự kiến trong tuần sẽ có văn bản gửi tỉnh Ninh Thuận để khuyến nghị thực hiện một số bước tiếp theo. “Hiện chúng tôi tập trung cho khâu truyền thông, cung cấp thông tin cho người dân và các bên liên quan; đồng thời liên hệ các khu DTSQ khác của Việt Nam để nắm thông tin, học hỏi kinh nghiệm trong triển khai thực hiện hướng dẫn, khuyến nghị của UNESCO” – ông Tiếp bày tỏ.
Khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Núi Chúa hiện có 9 thôn của đồng bào dân tộc Raglai định cư, với 2.438 hộ. Việc phát triển các mô hình sinh kế bền vững gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong Khu DTSQ thế giới Núi Chúa được chính quyền địa phương xác định đóng vai trò then chốt. Để thực hiện mô hình phát triển kinh tế của người dân địa phương gắn với nhận khoán bảo vệ rừng, nhiều năm qua, Vườn Quốc gia Núi Chúa đã giao cho 2 cộng đồng dân tộc thiểu số Raglai trên địa bàn huyện Ninh Hải (thôn Cầu Gãy và thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải) xây dựng mô hình sinh kế bền vững.
Ông Cao Văn Đen – người dân tộc Raglai, tham gia Tổ bảo vệ rừng Cầu Gãy gần 30 năm qua – cho biết tổ của ông có tất cả 40 người, hầu hết là dân địa phương, với nhiệm vụ bảo vệ 1.000 ha rừng. “Ngoài kinh phí cấp khoán hằng tháng, các thành viên trong tổ trích kinh phí tiết kiệm để mua bò và dê nuôi sinh sản. Đây là cách giúp tạo nguồn thu, để mọi người an tâm bảo vệ rừng” – ông Đen nói.
Ngoài khoản kinh phí khoán bảo vệ rừng cho người dân, hiện Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa đã và đang xây dựng nhiều mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng sống tại khu vực vùng đệm. Trong đó, nổi bật hơn cả là hoạt động tham gia phát triển du lịch sinh thái.
11 khu DTSQ thế giới của Việt Nam Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam có 11 khu DTSQ thế giới được UNESCO công nhận, trở thành quốc gia có số lượng khu DTSQ thế giới đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (có 19 khu DTSQ thế giới), gồm: Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), Khu DTSQ Đồng Nai (2001), Khu DTSQ châu thổ sông Hồng (2004), Khu DTSQ Cát Bà (2004), Khu DTSQ Kiên Giang (2006), Khu DTSQ Tây Nghệ An (2007), Khu DTSQ Cù lao Chàm (2009), Khu DTSQ Mũi Cà Mau (2009), Khu DTSQ Lang Biang (Đà Lạt, 2015), Khu DTSQ Núi Chúa (Ninh Thuận, 2021), Khu DTSQ Kon Hà Nừng (Gia Lai, 2021). Việc UNESCO công nhận thêm 2 khu DTSQ của Việt Nam vừa qua cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững của Việt Nam; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè thế giới. |