BVR&MT – Chính phủ Australia đã hoàn tất đánh giá toàn diện đầu tiên về các loài cá mập, cá đuối và cá mập ma, trong đó khẳng định vùng biển nước này đang là nơi sinh sống của hơn 1/4 các loài cá mập trên thế giới, tuy nhiên 22% trong số này đang trong nhóm báo động về nguy cơ tuyệt chủng.
Kế hoạch Hành động về cá mập và cá đuối của Australia đã được Trung tâm Đa dạng sinh học biển thuộc Chương trình khoa học môi trường quốc gia – một tổ chức chính phủ tài trợ cho nghiên cứu bảo tồn biển – công bố ngày 21/9.
Tác giả chính của nghiên cứu này – Tiến sĩ Peter Kyne cho biết tốc độ suy giảm số lượng cá mập hiện nay khiến nhiều loài đang bên bờ vực tuyệt chủng và do đó cần nhanh chóng có biện pháp để bảo vệ “ở cấp quốc gia, bang và vùng lãnh thổ”.
Báo cáo dài 442 trang của trung tâm trên bao gồm hồ sơ của 328 con cá mập, cá đuối và cá mập ma – một loài cá có quan hệ họ hàng gần với cá mập và cá đuối, những loài sinh sống ở vùng biển của Australia. Trong số này, 39 loài được nêu trong danh sách “đang bị đe dọa” tới sự sống, trong khi 32 loài khác có mặt trong danh sách “có nguy cơ bị đe dọa”.
Theo Tiến sĩ Kyne, có 5 loài cá mập ở Australia bị xếp vào nhóm “cực kỳ nguy cấp”, trong đó có cá nhám cưa lớn, cá mập kiếm mũi dài và cá mập trắng. Số lượng cá mập trắng đã bị sụt giảm hơn 98% trên toàn thế giới, trong khi sản lượng đánh bắt ở Australia cũng ở mức thấp. Ông cho rằng nguy cơ lớn nhất đối với các loài cá mập đang bị đe dọa sự sinh tồn là những hoạt động đánh bắt cá không an toàn.
Cá mập thuộc lớp cá sụn, sống ở tất cả các đại dương, khu vực ngập mặn, rạn san hô, vùng Bắc cực. Chúng gồm nhiều loài khác nhau, kích thước từ 30cm như cá mập Pygmy đến hơn 12m như cá mập voi. Cá mập dễ dàng săn những con cá nhỏ và ốm yếu hơn, nhờ vậy đảm bảo được một quần thể cá khỏe mạnh trong quy mô phù hợp với môi trường sống đó, thậm chí có thể giúp bảo vệ hệ sinh thái đó. Chẳng hạn như loài cá mập hổ thường bơi xung quanh khu vực đồng cỏ biển sẽ khiến những con rùa sợ hãi không đến gần thảm thực vật này. Cá mập cũng đóng vai trò quan trọng với việc điều tiết, sản xuất oxy trong đại dương khi ăn cá con – những loài đi săn những sinh vật phù du tạo ra oxy.
Cá mập cũng là mắt xích quan trọng khác trong mạng lưới thức ăn đại dương: Chúng là thức ăn cho một số động vật ăn thịt khác như cá mập chó Genie hay bạch tuộc. Những con cá mập di cư, như cá mập sọc trắng, cung cấp dinh dưỡng cho các sinh vật ở những nơi chúng đi qua nhờ việc thải phân giàu nitơ. Bên cạnh đó, môi trường sinh thái tại các rạn san hô sẽ mất đi sự cân bằng nếu cá mập không còn tồn tại.