BVR&MT – Xu hướng thời trang ngày nay không dành cho những chiếc áo khoác lông dài hết cỡ mà là những đường viền lông trên áo khoác thể thao, mũ lưỡi trai, giày dép và phụ kiện. Động vật bị giết để lấy lông bao gồm chồn, chồn zibelin, thỏ, chuột đuôi sóc, cáo và lửng chó. Tất cả đều có khả năng trở thành vật chủ hoặc nguồn lây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người (zoonose). Trên toàn cầu, ước tính 95% lông thú đến từ các trang trại.
Trong vũ trụ phức tạp của Covid-19 và các bệnh lây truyền từ động vật khác, những câu hỏi chính vẫn chưa được giải đáp, bao gồm vai trò của việc nuôi lông thú đối với ngành công nghiệp thời trang trong việc lây lan các bệnh truyền nhiễm từ động vật và ngành nên được quản lý như thế nào để giảm thiểu rủi ro.
Zoonose được định nghĩa là bất kỳ bệnh hoặc nhiễm trùng nào truyền tự nhiên từ động vật có xương sống sang người. Các bệnh truyền nhiễm từ động vật đã trở thành mối quan tâm cấp bách hiện nay do nạn phá rừng trên toàn cầu rộng lớn và nhanh chóng, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới, góp phần làm tăng nguy cơ con người tiếp xúc với các loài động vật chứa các loại virus chưa xác định.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng trong việc lây lan bệnh truyền nhiễm là hoạt động buôn bán động vật hoang dã hợp pháp và bất hợp pháp cũng như các hệ thống động vật nuôi được phát triển bởi ngành chăn nuôi, lông thú và thực phẩm.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, có tới 75% các bệnh truyền nhiễm mới hoặc đang phát sinh có nguồn gốc từ động vật. Covid-19 (do vi rút SARS-CoV-2 gây ra) và hai bệnh do virus corona khác gồm Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) chỉ là một vài trong số rất nhiều bệnh truyền nhiễm từ động vật xuất hiện trong 20 năm qua.
Bệnh SARS xuất hiện vào năm 2002 ở Trung Quốc, giết chết 774 người trên toàn thế giới, có khả năng được truyền từ dơi móng ngựa qua vật chủ trung gian là cầy vòi hương châu Á – loài được nuôi trong các trang trại và được bán rộng rãi ở các thị trường châu Á để làm thực phẩm. MERS thì có thể lây sang người từ lạc đà – loài được nuôi để lấy sữa, thịt, da; 858 người chết vì MERS, chiếm 35% trong tổng số người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, không có bệnh hô hấp do virus nào so sánh với phạm vi và cường độ tàn phá của SARS-CoV-2. Đến nay, Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 223 triệu người và giết chết hơn 4,6 triệu người trên toàn thế giới nhưng nguồn gốc của nó vẫn là một dấu hỏi.
Điều quan trọng là con người cũng có thể lây nhiễm bệnh truyền từ động vật sang động vật. Con đường hai chiều này đã làm dấy lên mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng trong thời kỳ đại dịch, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về ngành công nghiệp thời trang làm từ lông thú thường được quản lý kém trên toàn cầu.
Mùa xuân năm 2020, chồn được phát hiện bị nhiễm Covid-19 trong các trang trại ở châu Âu, đến tháng 5/2020 xuất hiện ca nhiễm bệnh từ chồn sang công nhân trang trại tại Hà Lan. Chính phủ Đan Mạch sau đó đã tiêu hủy 17 triệu con chồn nuôi trong trang trại, tuy nhiên quy trình chôn lấp vội vàng và có thể là bất hợp pháp đối với 10.000 tấn động vật đã dẫn đến lo ngại dịch bệnh tiếp tục lây lan.
Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE ), các trang trại nuôi chồn ở 10 quốc gia khác đã bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát Covid-19, trong đó, Hà Lan và Tây Ban Nha đã hy sinh hơn một triệu con chồn. Đợt bùng phát dịch bệnh lớn nhất của Hoa Kỳ xảy ra ở Wisconsin, nơi những người làm nông dường như đã lây bệnh cho động vật. 19 trang trại nuôi chồn của Wisconsin không được quản lý hay cấp phép dù là nguồn cung cấp da chồn lớn nhất Hoa Kỳ để phục vụ ngành công nghiệp thời trang.
Đến lượt mình, Liên minh châu Âu cũng là một trong những nguồn cung cấp quần áo lông thú chủ yếu của thế giới, đứng đầu là Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Ba Lan, Hy Lạp và Hà Lan với trị giá xuất khẩu hàng trăm triệu euro hàng năm.
“Sự lây lan nhanh chóng của bệnh nhiễm trùng SARS-CoV-2 trong và giữa các trang trại nuôi chồn cho thấy các hệ thống nuôi này có nguy cơ lây truyền virus từ động vật sang người và ngược lại”, Keith Hamilton, người đứng đầu OIE cho biết.
Covid-19 đã lây nhiễm sang nhiều loài khác: Trong một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học phát hiện các loài linh trưởng không phải người, mèo, chồn sương, chuột đồng, thỏ và dơi đều dễ bị nhiễm bệnh. SARS-CoV-2 RNA cũng được phát hiện ở mèo, chồn và chó tại hiện trường. Riêng tại Hoa Kỳ, chồn nuôi , mèo, báo sư tử, chó, khỉ đột, sư tử, rái cá, báo tuyết và hổ được chẩn đoán mắc bệnh từ ngày 13/9/2021. Đặc biệt, giữa tháng 12/2020, một cá thể chồn hoang dã bị mắc bẫy gần một trang trại chồn ở Utah được xác định có virus Covid-19, đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng nhưng chưa được giải đáp về các mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, động vật hoang dã và hệ sinh thái.
Loài động vật có giá trị cao nhất trong buôn bán lông thú toàn cầu là chồn nâu châu Mỹ (Neogale vison), lông của chúng được sử dụng trong sản xuất quần áo, phụ kiện và đồ gia dụng. Các động vật khác bị giết để lấy lông bao gồm chồn zibelin (Martes zibellina), thỏ (họ Leporidae), chuột đuôi sóc (Chinchilla chinchilla và Chinchilla lanigera), cáo (Vulpes spp.) và lửng chó (Nyctereutes procyonoides). Tất cả các loài động vật này đều có khả năng trở thành nguồn bệnh và vật truyền bệnh. Trên toàn cầu, ước tính 95% lông thú đến từ các trang trại.
Có khoảng 1,7 tỷ virus trên thế giới, trong đó ước tính khoảng 600.000 có khả năng lây nhiễm từ động vật sang người.
Dennis Carroll, cựu giám đốc Chương trình các mối đe dọa mới nổi của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết: “Rất ít trong số chúng có khả năng gây ra bệnh tật và tử vong trên diện rộng nhưng tác động của chúng có thể rất khủng khiếp, như chúng ta thấy với SARS-CoV-2. Chúng tôi cần tìm ra những loài hoang dã nào có nhiều khả năng gây rủi ro cho con người hơn”.
Carroll từng điều hành một chương trình của USAID nhằm “tăng cường năng lực toàn cầu trong việc phát hiện các virus lây truyền từ động vật sang người có khả năng gây đại dịch”. Sáng kiến kéo dài hàng thập kỷ đã thu thập hơn 140.000 mẫu sinh học từ các khu bảo tồn động vật hoang dã và phát hiện ra hơn 1.000 loại virus mới. Khi chính quyền Mỹ chấm dứt chương trình vào năm 2019, Carroll và các nhà khoa học đã khởi động Dự án Virome Toàn cầu (GVP) với hy vọng tạo ra một tập bản đồ di truyền toàn cầu về tất cả các loại virus tồn tại trong động vật hoang dã và động vật nuôi. Tuy nhiên, một số công việc ban đầu buộc phải dừng lại vì đại dịch, hiện GVP đang kêu gọi mức kinh phí đóng góp khoảng 100 triệu đô la/năm trong thập kỷ tới để hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Theo Carroll, các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác vai trò của các trang trại lông thú trong tương lai, trong sự lây lan và đột biến của Covid-19 nhưng ông lưu ý động vật nuôi nhốt là công cụ lây lan nhiều loại bệnh. “Lợn và chim trong các cơ sở công nghiệp rất quan trọng trong việc cho phép khuếch đại virus cúm trong quần thể người. Đối với virus corona, nhiều điểm còn chưa rõ ràng, tuy nhiên, do sự bùng phát Covid-19 ở các trang trại nuôi chồn vào năm 2020 nên những cơ sở này cần có mức độ an toàn sinh học cao”.
Tiếc là “mức độ an toàn sinh học và an toàn sinh học ở các trang trại lông không được tiêu chuẩn hóa toàn cầu”, theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), OIE và FAO công bố hồi tháng 2/2021. Nghiên cứu lưu ý nhiều loài động vật có lông được nuôi chung trong một khu vực nhỏ và việc lây truyền virus với số lượng lớn trong một quần thể đồng nhất có thể thúc đẩy sự tiến hóa của virus. Bất chấp nhận thức của cộng đồng, việc không sử dụng thiết bị bảo vệ tại các trang trại và việc tiếp xúc gần trong quá trình nuôi chồn và chế biến là một nguy cơ tiếp tục lây lan virus Covid-19 sang người và / hoặc loài vật. Ngoài ra, tính khả dụng của thiết bị bảo vệ cũng bị hạn chế ở một số quốc gia.
WHO đã đánh giá nguy cơ lây lan vi rút từ các trang trại lông thú thương mại sang người và lây truyền SARS-CoV-2 từ động vật trang trại sang quần thể động vật hoang dã ở 36 quốc gia. Dựa trên khối lượng sản xuất lông thú trong khu vực và tỷ lệ nhiễm bệnh vào mùa đông năm 2020, rủi ro được cho là thấp ở châu Phi, trung bình ở châu Mỹ và châu Á, và cao ở châu Âu.
James Wood, người đứng đầu Khoa Thú y Đại học Cambridge lập luận rằng “việc nuôi động vật hoang dã có thể được thực hiện theo những cách rất an toàn sinh học… Tuy nhiên, các hệ thống nuôi công nghiệp thường thâm canh và hậu quả của việc dịch bệnh xâm nhập vào các hệ thống như vậy thường rất nghiêm trọng.
Cũng theo Wood, vắc-xin để bảo vệ động vật không phải là câu trả lời lâu dài để ngăn ngừa sự lây truyền bệnh giữa động vật hoặc từ người sang động vật. “Chúng tôi chỉ có thể tiêm vắc-xin chống lại các bệnh nhiễm trùng mà chúng tôi biết. Các bệnh như Covid-19 có thể tàn phá các ngành công nghiệp trước khi có vắc-xin động vật”.
Nhà sinh vật học Wladimir J. Alonso lý giải “tình trạng căng thẳng mãn tính do việc nhốt các con vật trong không gian nhỏ hẹp tự nó đã ức chế miễn dịch, tạo điều kiện cho việc lây truyền các bệnh truyền nhiễm. Những cơ sở đó có hàm lượng amoniac và bụi phân cao, do khối lượng phân động vật thải ra, làm ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của chúng”.
Nhận thức của cộng đồng ngày càng tăng về khả năng lây lan dịch bệnh từ các hoạt động chăn nuôi công nghiệp, trong đó có thể kể tới Sáng kiến Công dân Châu Âu cho phép công dân EU đề xuất các luật mới và gần đây đã thu thập được 1,4 triệu chữ ký ủng hộ lệnh cấm cũi/lồng cho lợn mẹ, chim cút và vịt cùng các động vật khác. Luật được đề xuất bao gồm thỏ nhưng không mở rộng cho các động vật lông thú khác. Tuy nhiên, hoạt động này được một số chuyên gia đánh giá là bước đi quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ động vật sang người. Cuối tháng 6, Ủy ban châu Âu đã đề xuất luật để “loại bỏ và cấm sử dụng lồng/cũi”.
Trước khi bùng phát Covid-19, châu Âu là quốc gia dẫn đầu quốc tế trong ngành sản xuất lông thú với khoảng 5.000 trang trại ở 23 quốc gia, chiếm 50% tổng sản lượng lông thú toàn cầu, trong đó các nhà sản xuất lông thú lớn nhất trong năm 2018 là Đan Mạch, Ba Lan, Hà Lan, Phần Lan, Hy Lạp và Lithuania, theo đánh giá của WHO / OIE / FAO. Số lượng lớn động vật nuôi nhốt này, mặc dù là nguồn lợi nhuận đáng kể, nhưng cũng có khả năng là ổ chứa dịch bệnh nếu không được quản lý đúng cách.
Những lo ngại về phúc lợi động vật và sức khỏe cộng đồng đã khiến châu Âu bước vào giai đoạn chuyển đổi về sản xuất lông thú. Một số quốc gia bao gồm Anh, Đức, Bỉ, Áo, Serbia, Luxembourg và Cộng hòa Séc đã cấm nuôi lông thú trong hai thập kỷ qua. Sau khi trang trại bị nhiễm Covid-19, Hà Lan đóng cửa vĩnh viễn các trang trại nuôi chồn vào tháng 3/2021 trong khi Pháp tuyên bố sẽ ban hành lệnh cấm tương tự vào năm 2025; Đan Mạch đình chỉ sản xuất và xuất khẩu chồn trong năm 2021.
Không chỉ châu Âu mà Bắc Mỹ cũng là nguồn cung cấp lông thú lớn cho ngành thời trang. Năm 2018, Hoa Kỳ sản xuất 3,1 triệu con chồn trong khi Canada bán 1,8 triệu con từ nhiều loài khác nhau. Tuy nhiên, dẫn đầu thế giới về sản xuất lông thú phục vụ ngành công nghiệp này phải kể tới Trung Quốc với sản lượng thu hoạch 50,5 triệu bộ da hàng năm, trong đó chồn, cáo và lửng chó là những loài chính. Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ thời trang lông thú lớn nhất, duy trì các công ty chăn nuôi lông thú trên toàn thế giới. Cho đến đầu năm 2020, các trang trại nuôi chồn ở Đan Mạch thường xuyên bán da cho Trung Quốc, thu về lợi nhuận lớn.
Pei Su, Giám đốc ACTAsia, tổ chức phi chính phủ về quyền lợi động vật cho biết các quy định liên quan đến chăn nuôi lông thú của Trung Quốc ít nghiêm ngặt hơn nhiều so với châu Âu và Bắc Mỹ.
“Chăn nuôi động vật lông thú của Trung Quốc là một trong những mục tiêu hàng đầu của hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã vốn được chính quyền địa phương thúc đẩy như một cách để giảm nghèo và sử dụng lao động dư thừa ở nông thôn”, Peter J. Li, Phó giáo sư chính trị Đông Á tại Đại học Houston kiêm cố vấn tổ chức HIS cho biết.
Theo Li, có ba mô hình chăn nuôi lông thú đang được thực hiện ở Trung Quốc: hộ gia đình nuôi từ 20 đến vài trăm cá thể; các tổ chức nông dân hợp tác với hộ gia đình thành lập các trang trại tập trung; các trang trại lông thú quy mô lớn do các tập đoàn hoặc công ty liên doanh vận hành. Hiện Trung Quốc đang cố gắng loại bỏ dần mô hình cấp hộ vì những hoạt động này rất khó giám sát và điều chỉnh đối với sức khỏe cộng đồng và kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, sự thay đổi này chưa rõ rệt. “Thực tế là cơ quan lập pháp quốc gia của Trung Quốc đã cấm nuôi động vật hoang dã để làm thực phẩm từ hồi tháng 2/2020 để đối phó với đại dịch nhưng ba tháng sau, Bộ Nông nghiệp lại phân loại các loài động vật lông thú (chồn, cáo và lửng chó) làm vật nuôi và cho phép thương mại chúng”.
Su cho biết các nhà hoạt động còn cần nhiều nỗ lực trong việc nâng cao nhận thức người tiêu dùng ở Trung Quốc, Mỹ, EU và các nơi khác về các vấn đề phúc lợi động vật (bao gồm cả việc chăn nuôi và thu hoạch động vật để lấy lông), tác hại môi trường do buôn bán động vật hoang dã, những tổn hại về sức khỏe mà các công nhân trang trại lông thú phải chịu đựng và những động vật cung cấp lông thú có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng do lây lan các bệnh truyền nhiễm.
Trong những năm gần đây, thương mại lông thú toàn cầu đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng ít sử dụng lông thú hơn trong các sản phẩm. Trong đó, thương hiệu Gucci đã ngừng sử dụng lông thật trong các sản phẩm may mặc và mới đây, Valentino cũng cam kết không sử dụng lông thú vào năm 2022.
Huyền Trang (Theo Mongabay)