BVR&MT – Trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính là hết sức cần thiết để xây dựng cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính cấp cơ sở.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết giai đoạn trước năm 2021, Việt Nam chưa phải thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính bắt buộc nhưng cũng đã triển khai các chính sách, hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy vậy, công tác quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở nước ta cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, nhất là các hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở.
Còn “tự do” phát thải khí nhà kính
Theo quy định của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các quốc gia có trách nhiệm thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Trên tinh thần đó, NDC cập nhật của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào năm 2020.
Mục tiêu của Việt Nam là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường (BAU).
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2025, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ giảm 210,5 triệu tấn CO2 (khí cacbonic) tương đương so với BAU. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2026 đến 2030 sẽ giảm 563,7 triệu tấn CO2 tương đương so với BAU.
Để đạt được mục tiêu trên, trong giai đoạn trước năm 2021, mặc dù chưa phải thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính bắt buộc nhưng Việt Nam cũng đã triển khai các chính sách, hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Thực tế cho thấy các biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng đã và đang được thực hiện ở các quy mô khác nhau từ cấp quốc gia đến cấp cơ sở thông qua thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch, hoạt động cụ thể.
Nhờ đó, công tác quản lý phát thải khí nhà kính thông qua kiểm kê khí nhà kính đã từng bước được thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Công ước, phát huy hiệu quả các nguồn hỗ trợ của quốc tế. Công tác tổ chức, bộ máy và nhân lực quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu nói chung, về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nói riêng cũng đã được tăng cường từ Trung ương đến địa phương.
Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, do chưa phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính, nên công tác quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở nước ta trong giai đoạn vừa qua cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đặc biệt là các hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở.
Đơn cử là hoạt động kiểm kê khí nhà nhà kính mới chủ yếu được thực hiện ở cấp quốc gia, lĩnh vực trong phạm vi các dự án đơn lẻ khi có sự hỗ trợ của quốc tế; trách nhiệm của các cơ sở phát thải trong việc triển khai các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa rõ ràng; nhận thức của từng doanh nghiệp, cơ sở cũng như cộng đồng, người dân về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn hạn chế…
5 bộ, ngành phải kiểm kê khí nhà kính
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính là hết sức cần thiết. Đây là tiền đề để xây dựng cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính cấp cơ sở; xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường cacbon với sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế.
Đặc biệt, việc xác định được các lĩnh vực và cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường cũng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát thải khí nhà kính trên toàn quốc và góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam.
Với tầm quan trọng đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến của nhân dân với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính năm 2022.
Theo đó, dự thảo đã đề xuất ban hành danh mục các lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính năm 2022 thuộc các ngành: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng.
Sau khi thống nhất với các Bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính dự kiến là các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên.
Bên cạnh đó, một số trường hợp khác dự kiến cũng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm: Các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu trở lên; các công ty kinh doanh vận tải hàng hoá có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 trở lên; các tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 trở lên…
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý trong giai đoạn hiện nay, đề xuất chưa quy định bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với các cơ sở chăn nuôi (gia súc, gia cầm) do thực tế các cơ sở chăn nuôi chỉ chiếm 5,85% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia và chủ yếu là hộ gia đình. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn phải có trách nhiệm tham gia kiểm kê khí nhà kính quốc gia, lĩnh vực../.