BVR&MT – Sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, phản hồi từ các đối tượng hưởng lợi cùng các địa phương đều rất tích cực.
Nếu so sánh với các gói hỗ trợ trước đây mà doanh nghiệp và người lao động phản ánh là có quá nhiều tiêu chí và tiếp cận rất khó khăn thì Nghị quyết 68 được coi là chính sách thực sự đơn giản, thân thiện với người lao động và kể cả doanh nghiệp nhờ vào việc đã cắt giảm được 2/3 số thủ tục hành chính phải thực thi, khiến cho các đối tượng thụ hưởng dễ dàng tiếp cận chính sách, đáp ứng niềm tin và lòng mong mỏi của người dân vào chính sách an sinh xã hội.
Báo cáo từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, tính đến đầu tháng 9/2021, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xác nhận danh sách hơn 795 nghìn người lao động thuộc gần 29,4 nghìn đơn vị tại 62/63 tỉnh, thành phố thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Theo đó, gồm hơn 613 nghìn người tạm hoãn hợp đồng lao động, hàng trăm nghìn người phải chịu mất việc và gần 80 nghìn người ngừng việc được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người.
Ngoài ra, còn có trên 45.800 lao động bị ngừng việc do dịch COVID-19 cũng được vay vốn trả lương ngừng việc; trên 35,5 nghìn lao động được đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất. Song song đó, cơ quan này cũng đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 471 đơn vị với 87.237 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 588,3 tỷ đồng tại 47/63 tỉnh, thành phố…
Nghị quyết 68/NĐ-CP đặt mục tiêu tập trung hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch và đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, về cơ bản, việc triển khai chính sách đã bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn đã được tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn trong tiếp cận chính sách hỗ trợ, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, chưa thể dự báo thời điểm kết thúc, thị trường lao động từ nay đến cuối năm diễn ra theo kịch bản rất khó nhận định. Nghị quyết 68 và các chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giúp người lao động ổn định cuộc sống và thực sự trở thành “chỗ dựa”, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống, vơi bớt những áp lực về kinh tế trong mùa dịch. Cũng nhờ các chính sách này mà nhiều doanh nghiệp cùng các đơn vị sử dụng lao động đã tiết giảm kinh phí do được giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; đồng thời, được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề đề duy trì việc làm cho người lao động.
Bà Đỗ Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH MTV May Phú Cường cho biết, công ty thường xuyên tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 100 lao động, với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là may mặc, gia công hàng dệt may xuất khẩu. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID–19 bùng phát, khiến công ty rơi vào tình trạng khó khăn, nguyên liệu đầu vào không nhập khẩu được dẫn đến các dây truyền sản xuất ngừng hoạt động khiến một số lao động thời vụ đã phải tạm thời nghỉ việc.
Để duy trì nguồn nhân lực sau khi dịch bệnh được kiểm soát, công ty vẫn phải “giữ chân” một số lao động có tay nghề để làm việc cầm chừng và vẫn phải chi trả lương hàng tháng. Đối với những lao động tạm thời nghỉ việc công ty vẫn phải trả lương tối thiểu để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Sau khi dịch được khống chế, công ty sẽ gọi những lao động này vào làm tiếp tại công ty. Rất may, là qua tuyên truyền, doanh nghiệp đã tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ và nhờ hội tụ đủ các điều kiện, doanh nghiệp đã được giải ngân vốn vay gần 230 triệu đồng một cách thuận lợi. Với gói hỗ trợ này, công ty đã nhanh chóng chi trả lương cho người lao động, giúp họ duy trì sinh hoạt hàng ngày, ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất tại công ty.
Từ thực tiễn triển khai của địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, tính đến ngày 7/9, toàn thành phố đã hỗ trợ được hơn 946 tỷ đồng cho các đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 15/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố về một số chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã được các sở, ngành có liên quan cùng các địa phương nhanh chóng thực hiện.
Mặc dù trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, nhưng các đơn vị, nhất là ngành lao động – thương binh và xã hội đã khắc phục mọi khó khăn để rà soát, thẩm định hồ sơ, phê duyệt danh sách và tổ chức chi trả cho các đối tượng, bảo đảm kịp thời, đúng quy định, đúng đối tượng, góp phần vào việc chăm lo đời sống nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai vẫn còn có sự chậm trễ, có nơi, có lúc vẫn chờ đợi người dân đến mà chưa chủ động đến với người dân để hướng dẫn tiếp cận, tạo điều kiện giúp người dân được hưởng chính sách một cách nhanh nhất. Có một số đối tượng còn chưa được bao phủ bởi chính sách hỗ trợ. Việc xét duyệt đối tượng cũng gặp không ít khó khăn do đa số lao động không có hợp đồng lao động…đại diện thành phố Hà Nội cho hay.
Trước thực trạng này, cũng như nhiều địa phương khác, thành phố Hà Nội kiến nghị các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát lại, điều chỉnh hướng dẫn cho phù hợp thực tế với mục tiêu là bao phủ các đối tượng thụ hưởng chính sách đúng quy định, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm rõ, hiểu rõ quyền lợi của mình; đồng thời, nhanh chóng hướng dẫn người lao động, hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định.