BVR&MT – Trung Quốc sẽ thiết lập chỉ số chứng khoán “xanh” và phát triển giao dịch hợp đồng tương lai cho quyền phát thải carbon.
Cả hai công cụ này đều được triển khai lần đầu tiên ở Trung Quốc nhằm đáp ứng các mục tiêu khí hậu nước này đã đặt ra.
Trung Quốc cũng sẽ nghiên cứu và phát triển các công cụ tài chính dựa trên nhiều quyền về tài nguyên môi trường, bao gồm quyền phát thải ô nhiễm, quyền nước và quyền phát thải carbon.
Đó là nội dung chính của bản hướng dẫn mới được Chính quyền Trung Quốc ban hành hôm 12/9, đánh dấu một bước quan trọng trong việc mở rộng chứng khoán hóa và các cơ chế tài chính theo định hướng thị trường của Trung Quốc để thúc đẩy hoạt động mua bán carbon dài hạn và tiến tới trạng thái trung lập carbon.
Bản hướng dẫn này nhằm tăng cường các cải cách về cơ chế bồi thường bảo vệ môi trường.
Theo Yang Fuqiang, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng thuộc Đại học Bắc Kinh, các biện pháp này là những khám phá trong việc thúc đẩy các mục tiêu tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường bằng các công cụ chứng khoán hóa, với mục tiêu chính tập trung vào việc giảm lượng phát thải carbon trong nước.
Trước khi bản hướng dẫn này được công bố, Trung Quốc vẫn chưa có một chỉ số chứng khoán “xanh” nào.
Hồi tháng Tám, nhà cung cấp chỉ số thị trường chứng khoán toàn cầu MSCI đã công bố hai chỉ số biến đổi khí hậu cho Trung Quốc để đánh giá quá trình chuyển đổi của nước này sang nền kinh tế carbon thấp.
Các nhà quan sát trong ngành cho biết, việc chính thức thiết lập chỉ số chứng khoán “xanh” cho phép các nhà đầu tư đo lường khả năng quản lý môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của các công ty niêm yết. Điều này sẽ có tác dụng như là lời nhắc nhở các công ty lập kế hoạch đầu tư xanh và hạn chế lượng phát thải carbon của họ,
Nó cũng sẽ ảnh hưởng đến việc tái cấp vốn và phát hành trái phiếu chuyển đổi của các công ty.
Thị trường carbon quốc gia của Trung Quốc – hệ thống mua bán khí thải (ETS) lớn nhất trên thế giới – đã chính thức ra mắt vào tháng 7. Thị trường giao dịch kỳ hạn sẽ là một bổ sung cho thị trường carbon quốc gia, đánh dấu việc chứng khoán hóa hoàn toàn hoạt động kinh doanh carbon.
Theo bản hướng dẫn này, các dự án liên quan đến việc tự nguyện giảm phát thải khí nhà kính, ví dụ như việc sử dụng tài nguyên năng lượng tái tạo và khí mê-tan, cũng sẽ được đưa vào thị trường mua bán phát thải carbon quốc gia.
Theo các chuyên gia trong ngành, cam kết đạt trạng thái trung lập carbon vào năm 2060 của Trung Quốc sẽ được thúc đẩy với khoản đầu tư tổng cộng 136 nghìn tỷ Nhân dân tệ (21,07 nghìn tỷ USD).
Dong Shaopeng, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng các công cụ mới, chẳng hạn như chỉ số chứng khoán “xanh”, nhằm cung cấp thông tin tham khảo cho các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến xu hướng phát triển xanh của các ngành nghề.
Chỉ số “xanh” cho phép các công ty đủ điều kiện và hạn chế các công ty không đủ điều kiện tiếp cận nhiều vốn đầu tư hơn, Dong cho biết.
Động thái này là một nỗ lực mới nhằm mở rộng các công cụ tài chính, bao gồm cổ phiếu, tái cấp vốn và trái phiếu, để thúc đẩy đầu tư xanh.