“Hãy cầm bút bằng trái tim yêu nghề thực sự!”

BVR&MT – Bất kỳ nghề nào đều cần những con người có lòng đam mê và yêu nghề thực sự. Nhưng riêng với nghề báo, tình yêu và đam mê với nghề chưa bao giờ là đủ, chỉ những người có trái tim biết yêu thương, cái tâm với nghề viết ra muôn nẻo cuộc sống họ mới thấy cho mình ý nghĩa của “đời người cầm bút”.

“Tôi đến với nghề báo bằng duyên nghề và niềm đam mê thực sự”. – PV Thiên Thảo

 “Người bé choắt choắt thế này thì làm điều tra được không?”

Đó là câu nhận xét của nhà báo Đỗ Văn – một phóng viên đặc biệt của báo Lao Động nói với tôi. Lần ấy, khi gặp ông ở sự kiện, ông hỏi tôi: “Em đang theo mảng nào?”, tôi nói: “Em thích điều tra, phản ánh chống tiêu cực”.

Dạo ấy tôi còn gầy gò, đen nhẻm, mặt mũi thì hốc hác trơ xương vì nắng gió. Ngồi nói chuyện với nhà báo Đỗ Văn, ông nói làm điều tra không phải đơn giản đâu, ngoài sự thông minh cần phải có sự liều lĩnh. Hãy suy nghĩ cho kĩ, vì mảng viết này là một chiến trường thực sự.

Đã xác định theo nghề là chấp nhận những hành trình, những gian khổ, nguy hiểm phải đối mặt. – Vườn quốc gia Ba Vì – tháng 12/2016

Thế nhưng mọi lời cảnh tỉnh dường như không làm tôi lo sợ, tôi vẫn dấn thân theo cái nghiệp mà nhiều người gọi là “nghề nguy hiểm” ấy. Đơn giản vì tôi không khoan nhượng với cái xấu, tôi muốn thắp sáng cho bạn đọc niềm tin là công lý sẽ được thực thi, xóa đi những mảng tối khuất kín đang dần hủy hoại cuộc sống và công lý.

Biết tôi theo nghề này, gia đình ai cũng khuyên là nên cẩn thận hay là chuyển sang viết mảng khác. Thậm chí, cứ đọc thấy tin nào trên mạng nói phóng viên, nhà báo bị hành hung là bố mẹ lại gọi cho tôi nói: “hay thôi con ạ, mày bỏ nghề đi, nhỡ đâu nó đánh cho thì tội”.

Tôi rất ấn tượng với câu nói của một Nhà báo về nghề “đặc biệt” này:

“… Nhà báo là nghề hoạt động phong phú, đa dạng, sâu rộng, cụ thể và khoa học trong đời sống xã hội và con người. Ở đó, Nhà báo là một diễn viên có nhiều vai diễn cả chính diện đến phản diện, mỗi một vai diễn là một trải nghiệm, một kinh nghiệm sống cho chính mình. Nhà báo cần có trái tim nóng, cái đầu lạnh, bản lĩnh chính trị vững vàng, hiểu biết xã hội sâu rộng, dũng cảm đấu tranh vượt qua mọi gian truân, thử thách, hiểm nguy và cả cám dỗ đời thường trong quá trình tác nghiệp. Nhà báo cần có tâm sáng, tận tụy, trách nhiệm với nghề, với đời, sống giản dị mà sâu sắc, tinh tế, nhạy cảm trong “cận sáng, cận tối” để nhận biết một cách chân thực đâu là ánh sáng lung linh của những sắc màu cuộc sống thường nhật…”

Nhà báo Hà Vy

“Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, cuối cùng cũng có lúc tôi bị đánh thật. Nhớ lại hồi tháng 2 năm 2016, tôi nhận được chỉ đạo của cơ quan về việc làm rõ hành vi xã hội đen bảo kê, đánh đập gây sức ép cho công nhân lao động ở công trường Eco Green City trên Nguyễn Xiển (Hà Nội). Đêm đó, tôi cùng một anh bạn đồng nghiệp nữa vào vai là những công nhân đang làm việc ở công trường để có thể trực tiếp ghi lại được hình ảnh của những tay anh chị xã hội xuất hiện hành hung, đánh đập công nhân. 2h đêm, nhóm giang hồ khoảng hơn hai chục tên xuất hiện, sau khi kiếm cơ gây sự với quản lý công trường, chúng cầm xẻng, gậy thi nhau đuổi đánh đập công nhân. Tôi và anh bạn cũng cùng chung số phận, mặc dù kịp bỏ chạy nhưng vẫn phải hứng chịu mấy nhát xẻng giáng vào lưng và cạnh sườn phải vào viện khám.

Sự vụ chỉ kết thúc khi công an xuất hiện, đám giang hồ bỏ chạy tán loạn (mấy ngày sau thì bị bắt hết). Sáng sớm hôm sau, đồng loạt nhiều báo đưa tin, trong đó có nội dung phóng viên nhập vai cũng bị đánh nhập viện. Thế là ngay lập tức mẹ gọi điện cho tôi, mặc dù tôi đã nói là không sao, chỉ bị chấn thương nhẹ, nhưng bà vẫn cứ sụt sịt: “Thôi, mày về đi con, không làm cái nghề đó nữa, thương mẹ thì về tìm việc khác mà làm”. Những lời đó của mẹ cứ làm tôi day dứt mãi.

Những hạnh phúc riêng của “phóng viên điều tra”

Nhiều gian khổ, nhiều nguy hiểm cận kề là vậy, thế nhưng chỉ những ai đã điều tra và dấn thân trong nghề báo mới biết tình yêu nghề lớn dường nào. Bởi với những phóng viên cầm bút mảng này, họ tìm thấy niềm vui, hạnh phúc và sự yêu đời ngay trên những hành trình vừa vất vả, gian nan, vừa đối mặt với máu và nước mắt như thế.

Như gần đây nhất, thực hiện chuyên đề bảo vệ rừng của Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường, tôi có thực hiện loạt bài nhiều kỳ phóng sự “Đi tìm sự sống cho rừng Yên Thế” ở Bắc Giang. Để tận mắt thấy, tận tay ghi lại hiện trạng “chảy máu rừng” ở đây, nhóm phóng viên chúng tôi đã băng rừng lội suối mấy chục kilomet, có những đoạn không đi được xe máy, phải dắt bộ xe, theo người dẫn đường men qua bìa rừng để đi sâu vào trong. Nắng nóng, đường xa lại khó đi, cảm giác như mệt muốn lử người. Thế nhưng, ngay chính những hành trình ấy, lại cho tôi những cảm nhận, những góc nhìn tuyệt đẹp của thiên nhiên và đất nước mình, ở những nơi được cho là “hoang dã” nhất.

Hay như với loạt bài “Ông lão 74 tuổi, 9 năm đi tìm sự thật” ở Hải Phòng cũng vậy, chỉ có những người trực tiếp cầm bút “chiến đấu” mới cảm nhận được hạnh phúc khi có thể giúp được một con người tìm lại danh dự. Đó là một buổi chiều mưa tháng 6 năm 2015, ông Rỵ, 74 tuổi người ở Tiên Lãng (Hải Phòng) run rẩy khoác áo mưa đến cửa tòa soạn hỏi tìm gặp phóng viên Thiên Thảo. Xuất phát điểm chỉ là một câu chuyện, một mâu thuẫn nhỏ trong vấn đề đất đai, mà sau đó khi vụ việc đưa ra xét xử, lần lượt 3 cấp tòa đã tuyên án ông là người thua kiện. Giọng yếu ớt kể chuyện, ông lão chỉ nói: “Tôi không mong gì bồi thường, tôi cũng chẳng mong lấy lại quyền lợi, nhưng tôi chỉ mong trước khi tôi nằm xuống thì sự thật năm ấy được làm rõ, người ta trả cho tôi cái danh dự, nhân phẩm để tôi yên tâm nhắm mắt”.

Vào cuộc tìm hiểu, suốt 06 tháng trời với gần 10 kỳ báo, cuối cũng thì Tòa án tối cao cũng vào cuộc, vụ án được lật lại và kết quả cuối cùng cũng giúp ông lão toại nguyện, được minh oan. Nhìn cái cảnh ông lão cầm bản tuyên án của tòa, khóc trong nụ cười hạnh phúc, thực sự khi ấy trong tôi càng thêm yêu nghề, yêu bút hơn.

Trời Hà Nội đêm nay lại đang mưa, những cơn mưa giúp làm giảm đi cái oi bức nóng nực của ngày hè. Tôi lại ngồi vào máy, lại bắt đầu những dòng viết của mình với đam mê và tình yêu nghề vẫn cháy bỏng như ngày đầu. Ngay thời điểm này, khi cả “làng báo” đang chuẩn bị đón kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thì chúng tôi, tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường vẫn vẹn một tâm huyết, góp phần tuyên truyền thông tin, cùng chung tay góp sức thiết thực để bảo vệ những cánh Rừng Vàng, bảo vệ Môi trường, Tài nguyên thiên nhiên của đất nước Việt Nam.

Xuân Thời

Tags:
CHIA SẺ