BVR&MT – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn hạn ngắn, hạn dài đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng, nội dung cũng như tính chính xác đã giúp các ngành, địa phương chủ động trong công tác chỉ đạo, ứng phó góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đã mở rộng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày; nội dung và hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn (cấp huyện, cấp xã) và thời gian dài hơn. Các sản phẩm dự báo mùa được mở rộng hạn dự báo, hàng năm đã có bản tin nhận định thiên tai năm (2 lần/năm).
Đặc biệt, dự báo, cảnh báo mưa lớn diện rộng trước 2-3 ngày. Đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông, cảnh báo trước từ 30 phút đến 2-3 giờ. Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%. Đối với các đợt nắng nóng diện rộng, dự báo, cảnh báo trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%, thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng chính xác từ 80-90%. Các thông tin liên quan đến bão, áp thấp nhiệt đới đã nâng dự báo lên 3 ngày, cảnh báo 5 ngày với độ chính xác dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Ngành Khí tượng Thủy văn đã xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp huyện phục vụ công tác dự báo, cảnh báo phòng chống thiên tai cho các tỉnh, thành phố và người dân khu vực khi có mưa lớn. Dự báo, cảnh báo lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán và tình trạng xâm nhập mặn cùng với dự báo thủy văn hạn ngắn, hạn vừa, hạn dài đã đáp ứng tốt yêu cầu trong công tác phòng, chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Công tác dự báo hải văn đã có những đổi mới vượt bậc do tiếp thu các công nghệ mới của nước ngoài. Độ phân giải cho mô hình dự báo sóng đã được chi tiết đến 4 km, theo cả phương án tất định và tổ hợp, thời hạn dự báo đến 10 ngày. Mô hình tích hợp SuWAT với nhiều kịch bản về quỹ đạo di chuyển của bão, nước dâng do bão có tính đến ảnh hưởng của sóng, thủy triều đã nâng cao độ tin cậy của bản tin dự báo, cảnh báo nước dâng bão; dự báo dòng chảy biển, nhiệt độ và độ mặn nước biển, mô hình mã nguồn mở ROMS3D được thiết lập chạy trên hệ thống siêu máy tính Cray XC40 đã cho phép đưa ra thông tin dự báo đến 10 ngày cho các vùng biển…
Ngoài ra, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã triển khai công nghệ dự báo tổ hợp cho phép đưa ra khoảng biến động của dự báo từ mô hình số dựa trên việc xây dựng và triển khai hệ thống dự báo tổ hợp từ hạn ngắn, hạn vừa đến hạn mùa (Xuân-Hạ-Thu-Đông). Tuy nhiên, công tác dự báo, cảnh báo mưa lớn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là dự báo định lượng mưa đối với các trường hợp mưa lớn kỷ lục, mưa lớn cục bộ và những nơi ít thông tin quan trắc như vùng núi Bắc Bộ, Tây Nguyên…; dự báo lũ, đặc biệt là lũ khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, ngập lụt vùng hạ lưu với thời gian nước tập trung nhanh nhưng công nghệ dự báo cực ngắn chưa được đầu tư thỏa đáng. Cùng với đó, Việt Nam hiện chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất (mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng)…
Đáng chú ý, các hoạt động kinh tế-xã hội phát triển đa dạng với nhiều ngành nghề cũng như sự thay đổi về hiện trạng sử dụng đất do phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường… cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu toàn cầu làm các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và trái quy luật cũng đặt ra những thách thức mới cho công tác dự báo khí tượng thủy văn.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn khiêm cho rằng, để nâng cao tính chính xác, độ tin cậy của các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian tới, Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ xây dựng hệ thống quan trắc hiện đại, hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường công nghệ dự báo, đặc biệt là đưa vào dự báo nghiệp vụ dựng mô hình dự báo bão, mưa lớn của Việt Nam; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên…