Một số loài cây cũng “giãn cách xã hội” để tránh bệnh tật

BVR&MT – Nhiều tán rừng duy trì những khoảng trống bí ẩn, được gọi là hiện tượng “tán cây nhút nhát”, có thể giúp cây chia sẻ tài nguyên và sống khỏe mạnh.

Vào một ngày ấm áp của tháng 3 năm 1982, nhà sinh vật học Francis “Jack” Putz đi lạc vào một đám cây đước đen trong khi tìm cách giải tỏa cái nóng của buổi trưa. Buồn ngủ sau bữa ăn vội và hàng giờ thực địa tại Vườn quốc gia Guanacaste thuộc Costa Rica, Putz quyết định nằm nghỉ dưới tán rừng. Khi nhìn lên bầu trời, anh thấy gió khuấy động phần ngọn của khu rừng ngập mặn khiến các cành cây va chạm vào nhau và làm bật ra một số lá, cành nằm ở phía ngoài cùng. Putz nhận thấy việc “cắt tỉa” có đi có lại này đã để lại những khoảng không gian trống giữa những tán cây. Hiện tượng này được gọi là crown shyness (“tán cây nhút nhát”) và được ghi nhận trong các khu rừng trên khắp thế giới. Từ rừng ngập mặn ở Costa Rica đến những cây long não (Dryobalanops aromatica) cao chót vót ở Borneo của Malaysia, rất nhiều khoảng trống trên các ngọn cây xanh. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết lý do tại sao ngọn cây lại thường từ chối va chạm vào nhau.

Nằm bên dưới khu rừng ngập mặn cách đây 40 năm, Putz lý luận rằng cây cối cũng cần không gian riêng – một bước quan trọng để làm sáng tỏ gốc rễ hành vi bẽn lẽn của cành cây.

“Tôi thường có những khám phá tuyệt vời vào giờ ngủ trưa”, anh nói.

Tán rừng nhiệt đới này tại Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp Malaysia minh chứng cho hiện tượng “tán cây nhút nhát” ở loài cây Kapur. (Ảnh: Mikenorton / Wikimedia Commons)

Ngày nay, nhiều nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ những quan sát ban đầu của Putz và các đồng nghiệp. Có vẻ như gió đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp nhiều cây cối duy trì khoảng cách. Các ranh giới được tạo ra bởi phần ngọn giữa các nhánh có thể cải thiện khả năng tiếp cận của thực vật với các nguồn tài nguyên, chẳng hạn như ánh sáng. Khoảng trống trên ngọn cây thậm chí có thể hạn chế sự lây lan của côn trùng gặm lá, dây leo ký sinh hoặc bệnh truyền nhiễm.

Theo Meg Lowman, nhà sinh vật học tán rừng và giám đốc TREE Foundation, nói theo cách nào đó, sự “nhút nhát” chính là phiên bản thực tế của việc giãn cách xã hội. Cô nói: “Ngay khi bạn bắt đầu giữ cho các cây trồng không chạm vào nhau, bạn có thể tăng năng suất. Đó là vẻ đẹp của sự cô lập… Cái cây thực sự đang bảo vệ sức khỏe của chính nó”.

Mặc dù những mô tả về sự “nhút nhát” của tán cây đã xuất hiện trong các tài liệu khoa học từ những năm 1920 nhưng phải sau vài thập kỷ, các nhà nghiên cứu mới bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này. Một số nhà khoa học ban đầu theo đuổi giả thuyết cho rằng cây cối không thể lấp đầy khoảng trống giữa các tán cây do thiếu ánh sáng – một nguồn tài nguyên quan trọng cho quá trình quang hợp, nơi các tán lá của chúng bị phủ lên nhau.

Nhưng nhóm nghiên cứu của Putz đã công bố nghiên cứu vào năm 1984 cho thấy trong một số trường hợp, “tán cây nhút nhát” có thể chỉ đơn giản là kết quả của cuộc chiến giữa những cây bị gió thổi, mỗi cây đua nhau đâm chồi nảy lộc song song với những cú đánh từ hàng xóm của chúng. Nghiên cứu của nhóm cũng tiết lộ càng nhiều rừng ngập mặn đung đưa trong gió thì tán của chúng càng cách xa những tán của hàng xóm – một số kết quả đầu tiên ủng hộ giả thuyết mài mòn này để giải thích các hình dạng ngọn cây.

Cây xanh tại Plaza San Martín ở Buenos Aires, Argentina. (Ảnh: refractor / Wikimedia Commons)

Khoảng hai thập kỷ sau, một nhóm nghiên cứu do Mark Rudnicki, nhà sinh vật học tại Đại học Công nghệ Michigan dẫn đầu đã đo các lực làm xô đẩy cây thông ở Alberta, Canada. Họ phát hiện ra những khu rừng lộng gió với những thân cây khẳng khiu và có chiều cao tương tự nhau rất dễ mắc chứng “tán cây nhút nhát”. Và khi nhóm sử dụng nylon để ngăn những cây thông lân cận va chạm với nhau, các tán cây liền đan xen và lấp đầy những khoảng trống liền kề.

Các nhà khoa học khác đã tìm ra manh mối cho thấy có thể tồn tại một số con đường dẫn đến sự “nhút nhát” của các tán cây và một số có lẽ ít gây chiến hơn những cơn gió giật này. Ví dụ, Rudnicki nói rằng một số cây có thể đã học cách ngừng phát triển hoàn toàn ở phần ngọn dẫn đến thực tế là bất kỳ tán lá mới nào cũng sẽ bị tước đi. Do đó, cây cối có thể tránh được những thiệt hại không đáng có, theo Inés Ibáñez, nhà sinh thái học rừng tại Đại học Michigan.

Một số cây có thể thực hiện điều này một cách thận trọng hơn một bước nữa bằng cách sử dụng hệ thống giác quan chuyên biệt để phát hiện các chất hóa học phát ra từ các cây gần đó. Marlyse Duguid, một người làm nghề rừng và làm vườn tại Đại học Yale cho biết: “Ngày càng có nhiều tài liệu về nhận thức của thực vật. Dữ liệu về giao tiếp hóa học ở thực vật thân gỗ rất thưa thớt nhưng nếu các cây có thể cảm nhận được nhau, chúng có thể ngăn cản sự phát triển của tán cây trước khi buộc phải va chạm”.

Bất kể sự e dè của tán cây xảy ra như thế nào, sự tách biệt có thể đi kèm với lợi ích. “Lá giống như những viên kim cương đắt giá nhất của cây mà bạn muốn bảo vệ bằng mọi giá. Tuy nhiên, nếu cả một đám bị va vào nhau thì đó thực sự là một thảm họa khủng khiếp cho cái cây”, Lowman nói.

Những tán lá thưa thớt hơn cũng có thể giúp ánh sáng mặt trời chiếu tới các tầng rừng, nuôi dưỡng các loài thực vật và động vật sống trên mặt đất, từ đó hỗ trợ sự sống của cây cối.

Putz cho rằng những khoảng trống thậm chí có thể giúp cây cối tránh khỏi những loài dây leo vốn phổ biến trong các khu rừng nhiệt đới và ôn đới trên khắp thế giới hoặc tạo lớp đệm cho cây chống lại vi khuẩn gây bệnh và côn trùng không bay được có thể sử dụng tán cây làm ống dẫn (dù về lý thuyết, một số vi trùng và bọ vẫn có thể tạo ra cú nhảy khi cây cối bị gió tác động)

Tuy nhiên, những ưu điểm có thể có này vẫn chưa được kết luận chắc chắn là liên quan đến hiện tượng “tán cây nhút nhát”. Lowman – một trong số ít các nhà khoa học thành công trong việc nghiên cứu tán cây – cho rằng vấn đề này không dễ nghiên cứu. Việc kiểm tra ngọn cây đòi hỏi khá cao về khả năng leo trèo, giữ thăng bằng và bản lĩnh. “Yếu tố hạn chế là chúng ta không có khả năng đối phó với lực hấp dẫn để đến những nơi đó. Tuy nhiên, việc bỏ qua tán cây cũng giống như cố gắng hiểu cơ thể con người chỉ từ thắt lưng trở xuống”, cô nói.

Những tán cây tràn đầy sức sống và phần lớn sự đa dạng sinh học này có thể vẫn chưa được khám phá, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới.

May mắn thay, “tán cây nhút nhát” không phải là thứ bạn phải lên máy bay để xem, Putz nói. Nó đang diễn ra xung quanh và thật là một điều phong phú để mọi người tra cứu và chiêm ngưỡng.

Huyền Trang (Theo Nationalgeographic)

Tags:
CHIA SẺ