BVR&MT – Ngày 6/9, Bộ Y tế công bố 12.481 ca Covid-19 mới, giảm 624 bệnh nhân so với hôm qua. Hiện tổng số người mắc Covid-19 trong cả nước là 536.788 trường hợp.
Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 từ 17h ngày 5/9 đến 17h ngày 6/9 ghi nhận thêm 12.481 trường hợp tại 39 tỉnh, thành phố (giảm 624 ca so với hôm qua). Trong đó, có 12.477 bệnh nhân do lây nhiễm trong nước và 4 ca nhập cảnh.
TP.HCM là địa phương có số người mắc Covid-19 nhiều nhất cả nước ngày 6/9 với 7.122 bệnh nhân, tăng 896 ca so với ngày 5/9. Bình Dương đứng thứ hai với 2.194 bệnh nhân, giảm tới 1.346 ca.
Một số tỉnh thành khác ghi nhận số ca dương tính cao trong hôm nay gồm: Đồng Nai (871), Long An (857), Tiền Giang (234), Kiên Giang (201), Tây Ninh (134), Khánh Hòa (97), Đồng Tháp (95), An Giang (87), Đắk Lắk (79), Cần Thơ (70), Đà Nẵng (63), Bình Thuận (48), Hà Nội (42), Phú Yên (34), Quảng Ngãi (31), Bình Phước (28), Bà Rịa – Vũng Tàu (22), Quảng Bình (21), Trà Vinh (20),…
Như vậy, đến nay, nước ta đã phát hiện tổng số 536.788 bệnh nhân Covid-19, xếp thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4), Việt Nam có thêm 532.490 ca do lây nhiễm trong nước.
9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
9 tỉnh, thành phố không xuất hiện ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai, Hưng Yên.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao nhất cả nước trong đợt dịch thứ tư là TP.HCM (258.536), Bình Dương (134.627), Đồng Nai (29.420), Long An (25.942), Tiền Giang (10.805).
Về tình hình điều trị, ngày 6/9 có 9.730 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số đã chữa khỏi lên 301.457 trường hợp, chiếm 56,1% tổng số ca nhiễm.
Cả nước hiện có 6.407 ca Covid-19 nặng, trong đó: thở oxy qua mặt nạ: 4.128, thở oxy dòng cao HFNC: 1.196, thở máy không xâm lấn: 142, thở máy xâm lấn: 909, ECMO: 32.
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 311 bệnh nhân Covid-19 tử vong tại 15 tỉnh, thành phố. Cụ thể:
TP.HCM (233), Bình Dương (39), Khánh Hòa (7), Đồng Nai (6), Long An (5), Tiền Giang (5), Kiên Giang (3), Đồng Tháp (2), Đà Nẵng (2), Cần Thơ (2), Sóc Trăng (2), Bình Định (2), Hà Nội (1), Vĩnh Long (1), Tây Ninh (1).
Như vậy, tới nay, nước ta đã công bố 13.385 người mắc Covid-19 tử vong, chiếm tỷ lệ 2,5% trên tổng ca nhiễm (cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trung bình trên thế giới).
Trong 24 giờ qua, các địa phương thực hiện 494.756 xét nghiệm mẫu đơn và mẫu gộp cho 1.169.631 lượt người. Số xét nghiệm đã thực hiện từ 27/4 đến nay là 17.695.842 mẫu cho 40.159.783 lượt người.
Về tình hình tiêm chủng, theo số liệu thống kê từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong ngày hôm qua (5/9) có 567.105 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, cả nước đã thực hiện tiêm tổng cộng 22.012.123 liều vắc xin. Trong đó, có 18.673.340 liều tiêm mũi 1 và 3.338.783 liều tiêm mũi 2.
Tại cuộc họp đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 với 4 tỉnh thành là TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương sáng 6/9, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị 4 địa phương nghiêm túc thực hiện Công điện 1102 của Thủ tướng. Công điện này nêu rõ chủ trương khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức cá nhân nhập khẩu vắc xin.
Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý 2 yêu cầu. Thứ nhất, các doanh nghiệp muốn nhập khẩu vắc xin phải nằm trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu. Thứ hai, vắc xin phải rõ nguồn gốc, xuất xứ; khi về Việt Nam, phải được Bộ Y tế cấp phép, thẩm định, tổ chức tiêm chủng.
Thứ trưởng đề nghị 4 địa phương quán triệt nguyên tắc “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm nhanh nhất” theo tinh thần vắc xin về phải tiêm ngay, không chậm trễ, không chờ đợi, không lựa chọn vắc xin, có vắc xin nào tiêm ngay loại đó.
Ngoài ra, phải có kế hoạch chi tiết về tiêm chủng vì sau ngày 15/9, mỗi quận, huyện sẽ áp dụng các hình thức giãn cách xã hội khác. Khi đó, mỗi địa bàn cần hình thức tổ chức tiêm chủng khác nhau.