BVR&MT – Ngày 2/9, UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã ký Quyết định 1715/QĐ-BTNMT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu” của Công ty Delta Offshore Energy Pte.Ltd thực hiện tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình.
Theo chủ đầu tư, dự án được tích hợp tổng thể gồm: Nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200 MW trên diện tích 40 ha; trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi khoảng 100 ha mặt biển (lưu trữ từ 150.000 đến 174.000 m3 khí tự nhiên hóa lỏng); trạm tái hóa khí và 35 km đường ống dẫn khí áp suất cao.
Trước mắt, đơn vị sẽ hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư dự án và tiến tới triển khai xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG và trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tuabin khí giai đoạn 1 (750 MW) vào cuối năm 2023. Sau đó, tiếp tục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12/2027.
Đặc biệt, chủ đầu tư cam kết bảo vệ môi trường; bồi thường các thiệt hại liên quan đến sự cố môi trường do dự án gây ra; thực hiện chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đối với đội ngũ cán bộ và công nhân trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, chủ động thông tin, truyền thông về bảo vệ môi trường; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin dự án một cách đầy đủ, minh bạch cho người dân và các dự án lân cận.
Khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và góp phần quan trọng đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia.
Trước đó, tháng 1/2020, UBND tỉnh Bạc Liêu đã trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án. Dự án thuộc trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd làm chủ đầu tư và tổng thầu là Tập đoàn Bechtel (Mỹ).
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 93.600 tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD); trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 15% và vốn vay chiếm tối đa 85%, trở thành dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long từ trước tới nay.