BVR&MT – Lần đầu tiên kể từ “Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, cùng với hơn 98 triệu người Việt, nhân dân Thủ đô mới lại đón dịp Quốc khánh với một tâm thế đặc biệt như thế khi “Mỗi phường, xã, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài – Mỗi người dân là một chiến sỹ”. Trong cuộc chiến cam go với kẻ thù vô hình và cũng không kém phần nguy hiểm mang tên Covid – 19, một lần nữa hình ảnh Hà Nội – Trái tim của cả nước lại hiện lên thật bình dị nhưng rất đỗi kiên cường, xứng đáng là một “pháo đài niềm tin” để toàn quốc chiến thắng đại dịch.
Như đã thành một nét riêng có, mỗi dịp 2/9 phố phường Thủ đô lại khoác lên mình tấm áo thanh thoát của trời thu, nơi mỗi con phố, nóc nhà đều nhuốm màu hoài niệm, nơi những cơn mưa phùn phảng phất làm cảnh sắc trở nên tinh khôi, đưa ta về ký ức của buổi ban đầu cũng chính là ngày đất nước được khai sinh.
Cách đây đúng 76 năm, sau khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về nước Việt Nam độc lập, tự do. Thời khắc đó đã trở thành lịch sử, là giây phút thiêng liêng khi đất nước ta thoát khỏi ách đô hộ, người dân trở thành công dân của một quốc gia độc lập, tự do. Ngày 2/9 trở thành ngày Tết của tất cả những người dân Việt Nam. Ngày Tết Độc lập sẽ mãi là niềm tự hào cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nối tiếp đó là những tháng năm chống Mỹ cứu nước, với khẩu hiệu “Mỗi người dân là một chiến sỹ”, Thủ đô Hà Nội cùng cả dân tộc lại bừng bừng khí thế, làm theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”. Câu khẩu hiệu ấy đã trở thành suy nghĩ và hành động của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và người dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giành lấy và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.
Nhưng đấy là cuộc chiến đấu mà ai cũng nhận rõ hình hài kẻ thù là bọn thực dân, đế quốc xâm lược, nên bừng khí thế “cả nước ra trận”, “nhằm thẳng quân thù mà bắn!”. Còn trong cuộc chiến đấu chống dịch COVID-19 hiện nay, kẻ thù là vô hình nên vô cùng cam go, khác biệt. Vì vậy cần những “lá chắn”, “pháo đài” vững chắc mới có thể ngăn chặn, sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Hiện cả nước có hơn 10.600 xã, phường, thị trấn tương ứng với chừng ấy “pháo đài” phòng chống dịch COVID-19. Hà Nội có 579 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn sẽ là 579 “pháo đài”. Để mỗi xã, phường, thị trấn, nhà máy, xí nghiệp là một “pháo đài” chống dịch, vấn đề cơ sở đã được Hà Nội đặt lên hàng đầu; công tác phòng chống dịch phải hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm trọng tâm.
Khác với sự nhộn nhịp của lễ Quốc khánh hàng năm, năm nay, đường phố Hà Nội rất vắng vẻ. Người dân Hà Nội đón ngày 2/9 một cách đặc biệt với hy vọng cuộc sống sớm trở lại bình thường. Để mỗi người dân trở thành “chiến sỹ” trong trận chiến với giặc vô hình COVID-19 này, Thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm quy định 5K về phòng, chống dịch, “ai ở đâu ở yên đó”, không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết; tự giác khai báo y tế với tổ phòng, chống COVID cộng đồng của thôn/khu phố, kịp thời thông báo với UBND và trạm y tế xã/phường/thị trấn khi có người thân trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch. Mọi người hãy phát huy lòng yêu nước, yêu dân tộc của mình bằng những việc làm nhỏ nhất, cụ thể và thiết thực nhất.
Dẫu biết cuộc chiến nào cũng có những đau thương, mất mát, song chính lòng yêu nước, ý thức tự bảo vệ của mỗi người dân và sự đồng tâm nhất trí của cộng đồng tạo lá chắn tốt nhất trước đại dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Như lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm hơn nữa. Toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Hậu Thạch