BVR&MT – Năng lượng nguyên tử đang được ứng dụng rộng rãi và ngày càng có đóng góp quan trọng ở nhiều quốc gia đặc biệt là các nước đang phát triển. Ở nước ta, trong giai đoạn từ 2011 đến nay, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử đã và đang được triển khai rộng rãi, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, có một thực tế khi nhắc đến năng lượng nguyên tử vẫn còn xuất hiện tâm lý e ngại và xem đó là công nghệ phức tạp, xa vời thực tiễn.
Mới đây, Ban Chuyên môn và Nghiên cứu Khoa học (Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học & Công nghệ), Đoàn Viện Năng lượng nguyên tử, Chi đoàn Cục Năng lượng nguyên tử, Chi đoàn Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân đã đồng tổ chức hội thảo “Ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế – xã hội” với mục đích cung cấp cho công chúng khái quát, thúc đẩy ứng dụng nguyên tử trong các lĩnh lực đời sống – xã hội, đồng thời nâng cao nhận thức và vai trò của công nghệ trong phát triển kinh tế.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo, bà Trần Thị Bích Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, khi nhắc đến năng lượng nguyên tử (NLNT), nhiều người lo lắng vì nó gợi nhớ đến thảm họa hạt nhân, những người trong lịch sử. Tuy nhiên, năng lượng nguyên tử có nhiều đóng góp trong nhiều lĩnh vực. Năng lượng nguyên tử được tạo ra do các biến đổi trạng thái của nguyên tử và hạt nhân. Có hai dạng năng lượng là năng lượng bức xạ và năng lượng phân hạch, các dạng năng lượng này đã được ứng dung trong đời sống. Theo số liệu thống kê cho thấy, số cơ sở tiến hành công nghệ bức xạ tăng 1,8 lần từ 840 cơ sở năm 2012 lên 1.500 cơ sở năm 2018. Năm 2018, có khoảng 3.350 nguồn phóng xạ kín đang sử dụng đc phân bố trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó công nghiệp có khoảng 2.000 nguồn phóng xạ, chiếm 60% tổng nguồn phóng xạ trên toàn quốc.
ThS. Đỗ Ngọc Điệp, nghiên cứu viên trung tâm thông tin và tư vấn hạt nhân, Cục Năng lượng hạt nhân nguyên tử khẳng định: “Hoạt động nghiên cứu NLNT phục vụ phát triển kinh tế xã hội đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật đăc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, trong chuẩn đoán và điều trị bệnh bằng các trang thiết bị và kĩ thuật hạt nhân tiên tiến, trong chọn tạo giống cây trồng, lĩnh vực công nghiệp, môi trường,…”
Theo đó, ứng dụng NLNT trong y tế có 3 lĩnh vực: Lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị, điện quang. Hiện toàn quốc có 23 cơ sở xạ trị, 30 cơ sở y học hạt nhân hoạt động và hàng trăm cơ sở điện quang với 53 máy xạ trị, đạt tỷ lệ 0,6 máy/triệu dân. Trong đó, 30 máy xạ trị tập trung ở các bệnh viện, trung tâm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cả nước hiện cũng đã có 31 máy SPECT, 4 máy SPECT/CT, 6 máy PET/CT với 5 cyclotron. Đặc biệt, hầu hết các bệnh viện tuyến huyện trong cả nước đều có máy chụp X-quang thường quy, các bệnh viện tuyến tỉnh về cơ bản đã có máy CT, MRI. Nhiều đồng vị phóng xạ và hợp chất đánh dấu đã được sản xuất trong nước (Theo Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế). Điều này không chỉ giúp các y bác sỹ chuẩn đoán nhanh, chính xác còn tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân đồng thời giảm áp lực chi phí.
Trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ bức xạ đã có thành tựu nhất định, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá Việt Nam là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống năm 2014. Có rất nhiều loại gạo đột biến đang được đưa đến tận tay người nông dân cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Việt Nam đã tạo ra trên 80 loại giống cây trồng, đặc biệt là gạo ST25 được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019, nhưng ít ai biết rằng đó là nhờ việc chọng giống cây trồng bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến để tạo ra giống lúa chất lượng hơn.
Bên cạnh đó còn ứng dụng trong triệt sản côn trùng, triển khai nghiên cứu quản lý ruồi hại ở quả thanh long tại các tỉnh Nam Trung Bộ, tạo điều kiện xuất khẩu thanh long Việt Nam qua các nước khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ. Trong chăn nuôi sử dụng kỹ thuật dẫn xuất hạt nhân để chuản đoán sớm bệnh dịch tả Châu Phi, ngăn chặn kiếm soát lây lan năm 2019.
Lĩnh vực tài nguyên môi trường đã ứng dụng đối với việc xây dựng các bản đồ phông bức xạ tự nhiên Việt Nam tỉ lệ 1:1.000.000; Khai thác thăm dò quặng urani và quản lý nước. Đặc biệt ông Điệp nhấn mạnh: “Nhiều chuyên gia khẳng định đây là kỹ thuật tiên tiến, không thể thay thế đó là sử dụng kỹ thuật thuỷ văn đồng vị. Nghiên cứu đánh giá nguồn gốc, tuổi, lượng, vận tốc chảy, hướng chảy, lưu lượng, độ phân tán, nguồn nước ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, và khả năng mặn hóa các nguồn nước ngầm. Tôi tin rằng hiện giờ không có kỹ thuật nào đánh giá, xác định được điều đó ngoài kĩ thuật bức xạ chúng ta đang ứng dụng”.
Như vậy có thể thấy, việc ứng dụng nguyên tử mang lại nhiều lợi ích như: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hạn chế khai thác quá mức các nguồn tài nguyên phá hủy đa dạng sinh học, nước ngọt, không khí sạch, đất canh tác và đe dọa sự phát triển bền vững; Xác định và lập bản đồ các nguồn nước ngầm để có thể dễ dàng có được nguồn nước sạch và an toàn; Công nghệ hạt nhân cũng đã cải thiện hiệu quả của các hệ thống tưới tiêu, hiện đang sử dụng tới 70% lượng nước ngọt trên thế giới; Giảm thiểu khí thải nhà kính…
Theo ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6-7% của Việt Nam trong những năm gần đây có sự đóng góp quan trọng của ngành năng lượng hạt nhân. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục kết nối với các Bộ, ngành, các doanh nghiệp; tất cả các địa phương phải sao chép mô hình ứng dụng năng lượng nguyên tử theo điều kiện tự nhiên, tiềm năng kinh tế và tiềm năng ứng dụng, đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giải quyết các bài toán mà nhiều địa phương còn đang băn khoăn và lúng túng.
Hà Linh