BVR&MT – Không ai muốn chịu đựng một đại dịch tương tự Covid-19 nhưng khả năng một đại dịch xảy ra trong tương lai “có thể lớn hơn bao giờ hết nếu con người không có những chuẩn bị xa hơn”, các nhà khoa học tại Đại học Harvard cảnh báo.
Làm thế nào để ngăn chặn đại dịch tiếp theo là câu hỏi quan trọng được giải quyết bởi nhóm đặc nhiệm khoa học phòng chống đại dịch, được triệu tập vào tháng 5 bởi Viện Y tế Toàn cầu Harvard và Trung tâm Khí hậu, Sức khỏe và Môi trường Toàn cầu tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan.
Trong báo cáo mới của mình, nhóm đặc nhiệm phát hiện ra rằng sự lây lan của các mầm bệnh đại dịch có thể xảy ra khi một loại virus nhảy từ loài này sang loài khác do một số yếu tố bao gồm các hoạt động chăn nuôi; săn bắt và buôn bán động vật hoang dã; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là phá rừng nhiệt đới; mở rộng các vùng đất nông nghiệp, đặc biệt là gần các khu định cư của con người; và quá trình đô thị hóa nhanh chóng, thiếu kiểm soát. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng đang thu hẹp môi trường sống và đẩy các loài động vật trên cạn và trên biển di chuyển đến nơi ở mới, tạo cơ hội cho mầm bệnh xâm nhập vào vật chủ mới.
Cũng theo báo cáo, đến năm 2070, các loài động vật có vú thích ứng với những thay đổi của khí hậu và sử dụng đất được dự đoán sẽ tập hợp lại ở các độ cao lớn, ở các điểm nóng về đa dạng sinh học và ở các khu vực có mật độ dân số cao ở châu Á và châu Phi, dẫn đến việc chia sẻ các loại virus mới từ 3.000 đến 13.000 lần.
Mặc dù vắc-xin, thuốc, xét nghiệm và việc tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe là rất quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát một khi chúng xảy ra nhưng tất cả những biện pháp này cũng không giải quyết được đầy đủ sự lây lan của mầm bệnh giữa động vật và con người hoặc nguy cơ đại dịch mà nguyên nhân này gây ra.
“Ngay cả với sự xuất hiện sớm của vắc-xin và các phương thức xét nghiệm thì đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục bùng phát, thậm chí càng được hỗ trợ bởi sự phát triển của các biến thể dễ lây lan hơn, sự chia rẽ chính trị và sự lan truyền thông tin sai lệch”, báo cáo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các hành động hướng vào việc ngăn chặn sự lan tràn và bùng phát dịch bệnh, chẳng hạn như quy định về buôn bán động vật hoang dã và bảo tồn rừng, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới mang lại tiềm năng giảm nguy cơ đại dịch, tránh chi phí nhiều hơn cho việc ngăn chặn đại dịch bùng phát và giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm thực hiện hiệu quả an toàn sinh học xung quanh các trang trại chăn nuôi và nuôi nhốt động vật hoang dã, đồng thời thiết lập một nền tảng y tế nhằm giảm nguy cơ lây lan. Chương trình “Một sức khỏe” cũng thừa nhận sức khỏe con người được kết nối với sức khỏe của động vật và môi trường, điều này có nghĩa là cần thực hiện một cách tiếp cận hợp tác, đa ngành và xuyên ngành để giải quyết sự lây lan đại dịch
Bên cạnh đó, cần lưu ý việc phụ thuộc vào các biện pháp can thiệp hậu bùng phát đại dịch cần phải được xem xét trong cả bối cảnh toàn cầu mất đa dạng sinh học nhanh chóng và khí hậu không ổn định.
Theo báo cáo, chi phí giải quyết tình trạng bùng phát dịch bệnh tại các điểm nóng mới nổi thông qua bảo tồn rừng và phương pháp tiếp cận Một sức khỏe sẽ lên tới từ 22 tỷ đến 31 tỷ đô la/năm.
Các khoản đầu tư hiện tại để giải quyết tình trạng lan tỏa dịch bệnh – dưới 4 tỷ đô la/năm – là nhỏ so với thiệt hại kinh tế 4.000 tỷ đô la từ Covid-19. Mặc dù xác suất đại dịch có thể đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây, “nếu Covid-19 là một sự kiện trong 100 năm thì con số này chuyển thành 40 tỷ đô la/năm trong thế kỷ tới, không tính giá trị thời gian của đồng tiền”, báo cáo cho hay.
Trên toàn cầu, các khoản đầu tư vào việc ngăn chặn sự lan tỏa có thể lên tới không quá 4 tỷ đô la/năm trong khi khoảng 2 tỷ đô la được chi cho bảo tồn rừng. Ngân hàng Thế giới ước tính 260 triệu đô la được chi mỗi năm cho việc buôn bán động vật hoang dã nhưng không có tổ chức nào tiến hành giám sát thường xuyên có hệ thống đối với động vật hoang dã.
Báo cáo cho biết hiệu quả của các sáng kiến nhằm giải quyết nạn phá rừng, buôn bán và săn bắn động vật hoang dã, và các động lực lan tỏa khác phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực liên tục để đạt được chúng.
Nhiều nghiên cứu hơn có thể giúp xác định chính xác nơi có khả năng xuất hiện các bệnh lây truyền từ động vật hoang dã với nguy cơ đại dịch cao nhất và làm thế nào để hạn chế nguy cơ lây lan trong buôn bán động vật hoang dã. “Việc phát hiện ra virus trong động vật hoang dã có thể giúp thông báo về nơi cần tập trung các hoạt động phòng chống lây lan dịch bệnh, đồng thời mang lại lợi ích cho việc bảo tồn động vật hoang dã”, báo cáo nhấn mạnh.
Một số thống kê bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người
Nguồn: Báo cáo của lực lượng đặc nhiệm khoa học phòng chống đại dịch |
Ý Nhi (Theo Mail & Guardian Online)